Công nghiệp chế biến nông sản tại Gia Lai: 'Chìa khóa' của phát triển
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản cũng như khuyến khích nông dân tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất để hình thành các vùng nguyên liệu đáp ứng cho nhà máy chế biến.
Động lực phát triển nông nghiệp bền vững
Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây dược liệu, mía, mì, rau màu… Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến công nghiệp chế biến nông sản. Theo đó, tỉnh đã tích cực kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân, từng bước hình thành mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông hội.
Kể từ khi tham gia tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, anh Trần Minh Vương (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) nhận thấy hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Vườn cà phê gần 3 ha của gia đình anh dù đã hơn 20 năm tuổi nhưng nhờ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất luôn đạt trên 5 tấn nhân/ha, cao hơn 20-30% so với trước. Anh cho biết: “Khi tham gia tổ liên kết, gia đình tôi được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc… Nhờ vậy, năm nào vườn cà phê của gia đình tôi cũng cho năng suất, chất lượng cao, trong khi chi phí đầu tư giảm nên lợi nhuận tăng cao so với trước đây. Đặc biệt, sản phẩm cà phê của gia đình được công ty bao tiêu cao hơn giá thị trường 150 đồng/kg”.
Theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, hiện nay, Công ty đang liên kết với nông dân các huyện Đak Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ và TP. Pleiku sản xuất 20.000 ha cà phê theo các quy trình 4C, Rainforest, UTZ, Organic… thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Việc liên kết sản xuất cà phê theo chứng nhận là xu hướng tất yếu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Đây là mối liên kết cùng có lợi. Công ty cần sản phẩm đạt tiêu chuẩn với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, còn nông dân thì tiếp cận với các quy trình sản xuất tiên tiến, vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa được bao tiêu đầu ra với giá cộng hưởng cao hơn giá thị trường.
Nhà máy chế biến nông sản của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) được đầu tư khá quy mô và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021 hứa hẹn tạo bước ngoặt để đưa các sản phẩm nông sản của HTX vào những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang-cho biết: “Hợp tác xã có 120 thành viên, liên kết sản xuất hơn 200 ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Khi nhà máy đi vào hoạt động với công suất khoảng 1 tấn hồ tiêu/giờ và 2 tấn cà phê nhân/giờ thì vùng nguyên liệu hiện tại chưa đủ đáp ứng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân cũng như đáp ứng nguồn nguyên liệu sạch cho nhà máy”.
Sau 2 năm tham gia tổ liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ông Lê Minh Thắng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) thấy rõ những lợi ích mang lại. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi đang liên kết với HTX sản xuất 2,5 ha hồ tiêu. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ không những giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh mà năng suất, chất lượng cũng ổn định. Sản phẩm được HTX bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 5-10 ngàn đồng/kg. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục duy trì mối liên kết này để tạo ra những sản phẩm hồ tiêu sạch đáp ứng nhu cầu cho nhà máy chế biến nông sản của HTX”.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với hơn 97.000 ha cà phê, gần 89.000 ha cao su, hơn 14.000 ha hồ tiêu, 18.500 ha cây ăn quả, gần 20.000 ha điều, hơn 73.000 ha mì, 34.000 ha mía và hơn 74.000 ha lúa, Gia Lai có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng nhà máy chế biến nông sản còn khá khiêm tốn, phần lớn có công suất nhỏ, hiệu quả chế biến chưa cao. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân vẫn chưa nhận thức đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Vì vậy, tỷ lệ nông sản của người dân sản xuất ra đạt quy chuẩn chất lượng phục vụ cho các nhà máy chế biến tại chỗ còn thấp... Chính vì thế, thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến không những nâng cao giá trị nông sản Gia Lai mà còn là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu như: xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản của địa phương.
“Sắp tới, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo vùng nguyên liệu để các nhà máy chế biến hoạt động ổn định và phát huy công suất thiết kế. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát diện tích lúa, mía kém hiệu quả, khuyến cáo nông dân chuyển sang các cây khác có lợi thế hơn; sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và HTX tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến những loại nông sản chất lượng”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin.
Còn ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương thì cho hay: Thời gian tới, ngành Công thương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu-cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, ngành sẽ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Đồng thời, ngành cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu trọng điểm và giá cả để doanh nghiệp thuận lợi đưa các mặt hàng chủ lực của tỉnh đã qua chế biến vào các thị trường lớn.