Công nghiệp điện ảnh: Khơi thông để bứt phá

Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực đã mở ra những hy vọng về việc thu hút các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó là những kỳ vọng về sự tác động tích cực của nền công nghiệp điện ảnh tới phát triển kinh tế địa phương trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu, thu hút đầu tư và khách du lịch. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn cần được tháo gỡ...

“Bí kíp tình yêu của một du khách” là bộ phim nước ngoài đầu tiên quay tại Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid -19 diễn ra trên toàn cầu.

“Bí kíp tình yêu của một du khách” là bộ phim nước ngoài đầu tiên quay tại Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid -19 diễn ra trên toàn cầu.

Pháp lý được khơi thông

Trên thế giới, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh được quan tâm và đầu tư, coi đây là xu hướng để phát triển kinh tế một cách bền vững. Đây cũng là kênh tuyên truyền hữu hiệu để quảng bá điểm đến được nhiều nước áp dụng thành công và thu lại kết quả tốt.

Ở Việt Nam, với việc Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã cho thấy được sự quan tâm của Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, trong đó có điện ảnh. Các quy định được sửa đổi đã mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động của ngành điện ảnh, để có thể mở rộng các cơ hội tiếp xúc, đưa người làm điện ảnh đến với những điều mới mẻ trong ý tưởng sáng tạo.

TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam cho biết, Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực tạo điều kiện để ngành điện ảnh bứt phá trong thời gian tới. Theo đó các địa phương có quyền lập hội đồng cấp phép sản xuất phim. Và nếu như trước kia, đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam phải được kiểm duyệt toàn bộ kịch bản, tất cả cảnh quay thì nay, cơ quan quản lý chỉ xem tóm tắt kịch bản, và chỉ duyệt những cảnh quay tại Việt Nam. “Như vậy điều kiện làm phim tại Việt Nam đã thông thoáng hơn nhiều” – bà Lan nhấn mạnh.

Theo bà Lan, Nhà nước đã và đang có sự quan tâm rất lớn đối với sự phát triển của ngành điện ảnh với những quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân phát triển điện ảnh một cách bình đẳng và hướng tới xã hội hóa. Các tổ chức, doanh nghiệp đều có thể tham gia các hoạt động một cách bình đẳng, công bằng và khách quan.

Còn theo Cục phó Cục Điện ảnh Lý Phương Dung, Luật Điện ảnh mới cho thấy quyết tâm của nhà quản lý trong việc đưa điện ảnh trở thành nền kinh tế mũi nhọn. “Dù bước đầu đã có những chính sách ưu đãi với ngành sản xuất điện ảnh, nhưng đến nay cần cụ thể hóa các chính sách trên” – bà Dung nêu quan điểm.

Thực tế, sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các đoàn làm phim quốc tế là rất lớn. Ngoài ra, việc hành lang pháp lý thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim trong và ngoài nước góp phần không nhỏ đến sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và đặc biệt du lịch nói riêng.

Vụng Oản, vịnh Hạ Long được lựa chọn làm phim trường của bộ phim “Đông Dương” (Indochine).

Vụng Oản, vịnh Hạ Long được lựa chọn làm phim trường của bộ phim “Đông Dương” (Indochine).

Còn nhiều rào cản

Lâu nay, vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam chính là sức hút đối với các nhà làm phim quốc tế. Bởi chúng ta vẫn chưa có những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính còn rườm rà… Vì vậy, làm thế nào để văn hóa, cảnh sắc Việt Nam trở thành “viên nam châm” hấp dẫn các nhà làm phim quốc tế đang là mối trăn trở của nhà quản lý lĩnh vực điện ảnh.

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cần cụ thể hóa các nghị định để tạo sự hấp dẫn đầu tư và yên tâm cho đoàn làm phim nước ngoài. So sánh với môi trường đầu tư điện ảnh thuận lợi ở các quốc gia khác như Thái Lan, Pháp, ông Tú đã chỉ ra những chính sách ưu đãi tại một số nước phát triển đã tạo sức hút đối với đoàn làm phim quốc tế như miễn thuế thu nhập cá nhân, chiết khấu chi phí… từ đó góp phần tăng sức cạnh tranh và sự hấp dẫn cho điểm đến.

“Chính sách dành cho các đoàn làm phim cần được thông thoáng. Đôi khi sự cản trở không đến từ khách quan mà do những nguyên nhân chủ quan, ví dụ như việc cấp giấy phép. Các đoàn làm phim khi tới Việt Nam, họ cần sự cởi mở trong việc cấp phép. Mỗi địa phương nên có chế tài khuyến khích, từ đó lan tỏa tiếng tốt thì sẽ lôi kéo được các đoàn làm phim nước ngoài. Việt Nam đang tập trung rất nhiều nguồn lực để phát triển công nghiệp điện ảnh nhưng không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ, hợp tác từ phía bên ngoài” - ông Tú nhấn mạnh.

Còn bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty BHD cho rằng, việc xin giấy phép là quá trình vất vả nhất của đoàn làm phim. Nếu một ngày đoàn làm phim phải quay ở hai địa điểm thì việc xin giấy phép từ các sở, ngành rất vất vả, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, năng suất hoạt động. Hy vọng sẽ có cơ chế mới thuận lợi cho các đoàn làm phim, để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo.

“Luật Điện ảnh đã có chính sách hỗ trợ rồi, còn chính sách hỗ trợ thiết thực là nằm trong tay của các địa phương để áp dụng linh hoạt cho các đoàn làm phim” – bà Hạnh nói.

Những năm qua, các quốc gia có nền điện ảnh lớn trên thế giới và khu vực đã có những chính sách ưu đãi dưới mọi hình thức cho các dự án làm phim. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa đạt được sự đột phá trong việc hợp tác. Điều đáng nói, những lợi ích khi mà đoàn phim quốc tế vào Việt Nam mang lại là rất lớn. Bên cạnh nguồn thu thì quan trọng hơn đó là việc những người theo nghề sẽ có cơ hội tiếp xúc với công nghệ làm phim hiện đại, học hỏi quy trình làm phim tiên tiến từ đó thúc đẩy phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-nghiep-dien-anh-khoi-thong-de-but-pha-5718444.html