Công nghiệp Đồng Nai đi trước nhưng về sau vì công nghệ lạc hậu
Đồng Nai là tỉnh phát triển lĩnh vực công nghiệp từ rất sớm. Tuy vậy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Đồng Nai có dấu hiệu chững lại. Thay đổi công nghệ, định hướng lại tư duy thu hút đầu tư là những giải pháp cần làm ngay để Đồng Nai lấy lại vị thế.
Công nghiệp giảm đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trong vòng 10 năm kể từ năm 2010, công nghiệp là động lực tăng trưởng chính của tỉnh. Tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 50% vào năm 2010 lên 56,3% vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp là cao nhất trong các ngành kinh tế của Đồng Nai, ở mức 8,9% hàng năm.
Tuy vậy, tính đến hết tháng 6/2024, lĩnh vực công nghiệp tăng 6,62% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 là 3,01%). Đáng chú ý, vào giai đoạn thuận lợi từ năm 2015-2020, mức tăng bình quân hàng năm lĩnh vực công nghiệp của Đồng Nai là 9%, trong khi mức tăng trung bình của cả nước là 10%.
Nguyên nhân được chỉ ra là ngành công nghiệp của tỉnh Đồng Nai còn hạn chế, chuyển biến chậm về công nghiệp sạch, công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, còn thâm dụng lao động.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, do đó các dự án phải được sàng lọc về môi trường không để như trước đây. Xu hướng đầu tư mới sắp tới cũng sẽ thay đổi, lực lượng lao động được chọn lọc cũng phải có chất lượng”.
Phải chuyển đổi công nghệ hiện đại
Theo PGS.TS Đặng Xuân Cường - chuyên gia thuộc Trường đại học Công Thương TP.HCM, phát triển công nghiệp phải hướng tới bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, ông Cường cho rằng Đồng Nai cần có sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp để tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản phẩm, hướng đến zero hóa chất thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
“Phải có sự hợp tác với nhau, coi nhau là một thực thể. Không thể riêng biệt từng doanh nghiệp mà phải kết hợp lại thành chuỗi. Sản xuất xong không thể bỏ chất thải hay xử lý chôn lấp, tập trung lại tạo thành sản phẩm không phải là chất thải nữa” - PGS.TS Đặng Xuân Cường nói.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm – chuyên gia thuộc Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng sản xuất phát thải thấp, áp dụng công nghệ cao, xanh, sạch. Tuy vậy, đây là việc phức tạp vì các khu công nghiệp ở Đồng Nai đã lấp đầy với doanh nghiệp công nghệ cũ.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm đề xuất: “Tỉnh nên đặt ra tiêu chí để giải quyết vướng mắc, nếu doanh nghiệp vi phạm thì mạnh dạn đưa ra khỏi khu công nghiệp. Hoặc đưa ra tiêu chí định hướng cho doanh nghiệp, nếu không hoàn thành thì có biện pháp giải quyết”.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, tỉnh từng tự hào đi sớm về công nghiệp nhưng nếu không chuyển đổi sẽ ngày càng tụt hậu. Công nghiệp hàm lượng công nghệ thấp sẽ không thể cạnh tranh nổi trên thị trường. Không cách nào khác từng doanh nghiệp và toàn ngành phải tích cực chuyển đổi công nghệ.
“Công nghiệp phải là công nghiệp chất lượng, giá trị cao, trở thành công nghiệp trí tuệ, có hàm lượng chất xám cao. Đó là mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh” - Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Các doanh nghiệp thời kỳ đầu với công nghệ cũ, lạc hậu không còn phù hợp với mục tiêu phát triển của Đồng Nai. Do đó, tỉnh cần đặt ra yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi công nghệ, cũng như định hướng thu hút dự án với công nghệ hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp bền vững.