Công nghiệp hóa đồng bằng sông Cửu Long - cơ hội và thách thức
Ngày 15.12, Trường đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm thường kỳ về Diễn đàn phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (viết tắt là SDMD) lần thứ 8 với chủ đề 'Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đồng bằng sông Cửu Long: Vai trò và giải pháp đáp ứng của công nghệ - kỹ thuật và công nghệ thông tin - chuyển đổi số'.
GS-TS Hà Thanh Toàn, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT), Trưởng ban chỉ đạo SDMD 2045 cho rằng “Diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL, tầm nhìn 2045 (SDMD 2045) là diễn đàn được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường ĐHCT chủ trì từ năm 2022, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, giải pháp cho chính phủ, các cơ quan ban ngành; đồng thời thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL”.
Trong khuôn khổ của diễn đàn SDMD, các tọa đàm trực tuyến đã và đang được triển khai hằng quý với những chủ đề khác nhau. Chủ đề của tọa đàm lần này là “Công nghiệp hóa - hiện đại hóa ĐBSCL: Vai trò và giải pháp đáp ứng của công nghệ - kỹ thuật và công nghệ thông tin - chuyển đổi số” với nội dung phong phú, sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà quản lý giàu kinh nghiệm, hy vọng sẽ đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu trên.
TS Trần Thanh Hùng (Trường ĐHCT) cho biết: “ĐBSCL có diện tích 40.600km2, dân số 18 triệu người; lúa gạo chiếm 55% sản lượng cả nước, 95% sản lượng gạo xuất khẩu từ vùng này; thủy sản ĐBSCL chiếm 65% sản lượng cả nước, trong đó 73% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước là từ ĐBSCL; tôm chiếm 84% sản lượng cả nước; trái cây chiếm 70% sản lượng trái cây cả nước.
Lực lượng lao động ở ĐBSCL hơn 10 triệu người, tuy nhiên số lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp nhất trong cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở ĐBSCL chiếm 14,53%, trong khi đó ở đồng bằng sông Hồng là 37,14%; Đông Nam Bộ là 28,19%; Trung du và miền bắc Tây Nguyên là 17,62%
GS Hsieh-Lung Hsu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan cho rằng ĐBSCL là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng phát triển, nhất là nông-thủy sản. Từ lâu đây là vùng đất xuất khẩu gạo và thủy sản cho thế giới.
Cũng theo GS Hsieh-Lung Hsu, phải thấy được những thế mạnh và hạn chế trong việc công nghiệp hóa vùng ĐBSCL như: hạ tầng còn yếu kém; đầu tư tài chính của các doanh nghiệp chưa đủ mạnh; ảnh hưởng biến đổi khí hậu tác động mạnh đến ĐBSCL, sạt lở, sụt lún diễn ra thường xuyên; đào tạo nghề còn thấp so với mặt bằng chung; sự cạnh tranh của ĐBSCL trong tương quan chung của cả nước còn hạn chế. Từ đó ta thấy rằng vùng này cần vốn đầu tư, cân xây dựng hạ tầng giao thông; xây dựng công nghiệp giao thông phải có vật liệu và kỹ thuật phù hợp…
Trong hơn 100 năm qua có những cuộc cách mạng công nghiệp, hiện nay đã đến công nghiệp 4.0. ĐBSCL muốn phát triển, hòa nhập phải: chuyển đổi số; an ninh mạng; công nghệ 3D. Cụ thể ĐBSCL xác định một số lĩnh vực công nghiệp tiềm năng; phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); nông nghiệp thông minh, nông nghiệp giảm phát thải, đóng góp nhiều, sản phẩm tốt, an toàn; phát triển thương mại điển tử phải được chú trọng…
PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng muốn công nghiệp hóa ĐBSCL, nhà nước cần có chính sách, cơ chế thu hút nhân tài. Công nghiệp hóa ĐBSCL thì cơ hội và thách thức đan xen. Chúng ta đang ở gần các nước, vùng lãnh thổ có công nghệ phát triển mạnh như: Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Với đất nước có 100 triệu dân, cơ hội thu hút nhân lục CNTT của ta cũng khá lớn. Các nước có nhu cầu tăng về nhân lực công nghệ thông tin người Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận, tuy nhiên nếu nhu cầu lớn thì ta khó đáp ứng.
Cũng theo PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng, muốn có định hướng phát triển, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ công nghệ phát triển lâu dài 20 - 30 năm, chứ cơ chế 5 - 10 năm không giải quyết được.
Chính phủ nên nghiên cứu có nguồn quỹ phục vụ cho đầu tư nghiên cứu, phát triển nhân lực công nghệ số, AI. Nhu cầu năng lực công nghệ bán dẫn quá lớn trong khi lực lượng này còn ít. Việc tạo điều kiện kết nối nhân lực công nghệ bán dẫn trên thế giới với nước ta cũng là một vấn đề cần có trong sự hợp tác, nhất là nhân lực người gốc Việt. Cơ hội ngành công nghiệp bán dẫn đang đến với Việt Nam, làm sao để nắm bắt đó là vấn đề…
Một câu hỏi đặt ra tại tọa đàm là: Khó khăn nào và rào cản nào khiến Công ty Trung Nam chưa đầu tư phát triển các dự án công nghệ ở ĐBSCL?
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam cho rằng Trung Nam đang đầu tư về điện gió ở Trà Vinh. Về việc đầu tư vào công nghệ số hay sản xuất thiết bị bán dẫn ở ĐBSCL, ông Tiến cho rằng nhân lực và công nghệ là 2 vấn đề chính hiện nay. Phần lớn các doanh nghiệp ngành bán dẫn Việt Nam cũng chỉ đạt đến khả năng gia công. Làm chủ công nghệ cốt lõi trong sản xuất thiết bị bán dẫn có thể 10 năm nữa chúng ta cũng chưa đạt được. Vì thế Trung Nam chưa có những đầu tư về thiết bị công nghệ số ở vùng này.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho rằng hiện nay kinh tế nói chung còn khó khăn. Nguồn nhân lực và hạ tầng còn nhiều bất cập. Năm 2021 Cần Thơ kết nối được 41 đường bay, hiện nay do khó khăn kinh tế TP.Cần Thơ chỉ còn kết nối 14 đường bay. Hàng hóa xuất khẩu của Cần Thơ phần lớn phải chuyển tới TP.HCM và cảng Cát Lái. Hiện nay tàu 8.000 tấn vào các cảng Cần Thơ ăn hàng được nhưng tàu trọng tải lớn thì không...
Nhân dịp này đã diễn ra hoạt động ký kết hợp tác giữa Trường đại học Cần Thơ và Đại học Bách khoa Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.