Công nghiệp khí 30 năm phát triển vượt bậc

Tháng 5-1995, dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ, mở đầu cho sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, mở ra một chương mới cho ngành Dầu khí Việt Nam khi bước vào lĩnh vực khí đầy tiềm năng. Kể từ đó, ngành công nghiệp khí không ngừng lớn mạnh, là nguồn năng lượng không thể thiếu của quốc gia.

Mỏ dầu Bạch Hổ được Vietsovpetro đưa vào khai thác từ ngày 26-6-1986. Cho đến năm 1995, khí đồng hành được tách ra khỏi dầu thô tại các giàn khai thác và phải đốt bỏ do chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ để sử dụng. Cùng với sự gia tăng sản lượng dầu khai thác, lượng khí đồng hành phải đốt bỏ ngày càng lớn, gây lãng phí tài nguyên và tăng ô nhiễm môi trường.

Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố - công trình trên bờ đầu tiên của PV GAS

Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố - công trình trên bờ đầu tiên của PV GAS

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách về việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển khí đồng hành vào bờ và sử dụng cho nền kinh tế quốc dân. Vấn đề này được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7-7-1988 của Bộ Chính trị khẳng định: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.

Với quyết tâm cao của Bộ Chính trị, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã từng bước xây dựng và lần lượt đưa các công trình khí vào hoạt động, hiện thực hóa mục tiêu khai thác, thu gom và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng, phát triển kinh tế đất nước.

Các dự án ngành khí được triển khai trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập với thế giới, đối mặt với sự thiếu thốn về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng học hỏi, lao động sáng tạo cũng như tận dụng tốt kinh nghiệm của thế giới thông qua hợp tác với các công ty nước ngoài, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, Petrovietnam và PV GAS đã từng bước xây dựng ngành công nghiệp khí lớn mạnh như ngày nay.

Qua 30 năm phát triển, với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS đã xây dựng hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, gồm 5 hệ thống khí với trên 1.200km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa LPG công suất gần 100 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí, sản phẩm khí trên toàn quốc..., giá trị tài sản trên 62 nghìn tỉ đồng.

Từ một công ty với 100 CBCNV, lần đầu tiếp cận với công nghiệp khí hiện đại, PV GAS đã từng bước nâng tầm vóc, vị thế, đưa ngành công nghiệp khí non trẻ trở thành thế mạnh quốc gia, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiện nay, PV GAS đã trở thành một tổng công ty lớn mạnh - lá cờ đầu của Petrovietnam với 19 đơn vị trực thuộc, thành viên, trên 3.000 CBCNV có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm, năng động, sáng tạo.

Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất gần 20% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị trường khí khô, 65% thị trường LPG toàn quốc; khẳng định vai trò trên thị trường quốc tế trong xuất khẩu và kinh doanh LPG. Hệ thống các công trình khí liên tục được mở rộng và hoàn chỉnh, quy mô ngày càng hiện đại.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón Dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón Dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995

Từ khi thành lập đến nay, PV GAS đã cung cấp trên 147 tỉ m3 khí khô, trên 17 triệu tấn LPG, gần 2 triệu tấn condensate, đạt tổng doanh thu trên 832 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 165 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách trên 79 nghìn tỉ đồng. Những con số đó cho thấy sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp khí cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Không chỉ vậy, ngành công nghiệp khí có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác. Vì vậy, các dự án khí được xem là các dự án có tính đột phá, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng kinh tế. Không những sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất nước, các dự án khí đã tạo động lực thúc đẩy sự hình thành, phát triển nên các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, góp phần đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Qua 30 năm phát triển, ngành công nghiệp khí Việt Nam đã đạt được những thành tựu rực rỡ bằng các công trình khí trên khắp cả nước, thúc đẩy hình thành và phát triển các ngành công nghiệp sử dụng sản phẩm khí làm nguyên liệu, nhiên liệu giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với xu hướng chuyển dịch năng lượng từ dầu sang khí, khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng có khả năng sử dụng linh hoạt ở nhiều lĩnh vực và ít phát thải khí nhà kính. Tất yếu đây sẽ là nguồn nguyên liệu, năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than.

Nghị quyết số 55-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 11-2-2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu quan điểm chủ đạo, mục tiêu, giải pháp liên quan đến ngành công nghiệp khí là “ưu tiên khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sạch”, “ưu tiên phát triển điện khí” đã vạch ra hướng đi và tạo hành lang thúc đẩy ngành công nghiệp khí nhanh chóng phát triển thành nguồn năng lượng quan trọng của quốc gia.

Là doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS đang tiếp tục dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển nhanh chóng, vững mạnh. Một loạt các dự án khí mới đang được Petrovietnam và PV GAS tích cực triển khai và đưa vào khai thác sẽ tiếp tục góp phần đa dạng nguồn cung cho thị trường khí tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia trong tương lai.

Mai Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/cong-nghiep-khi-30-nam-pha-t-trie-n-vuo-t-ba-c-586760.html