Công nghiệp khoáng sản: Lĩnh vực mũi nhọn chiến lược của TKV

Chiến lược xuyên suốt của TKV đối với lĩnh vực công nghiệp Khoáng sản là tăng cường đầu tư đồng bộ các tổ hợp khai thác, chế biến sâu kim loại: alumin, đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác, tạo ra sức đột phá mạnh mẽ, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của Tập đoàn.

Công nghiệp khoáng sản TKV kế thừa và phát triển cơ sở vật chất của ngành Khoáng sản Việt Nam có từ hàng trăm năm trước như mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng có từ thế kỷ XV để phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế đất nước.

Sự kiện gia nhập Tập đoàn TKV (theo QĐ số 345 ngày 26/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ) được coi là cú hích tăng tốc cho sự phát triển của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam dưới mái nhà chung TKV. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, các đơn vị khối khoáng sản TKV đã phấn đấu không ngừng, phát triển về mọi mặt để xây dựng lĩnh vực khoáng sản trở thành một trong bốn lĩnh vực then chốt, chiến lược của Tập đoàn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Tổng công ty Khoáng sản TKV

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Tổng công ty Khoáng sản TKV

Những bước tiến đáng tự hào

Với tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ đã quan tâm, chỉ đạo và dành nguồn lực lớn cho việc đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến hầu hết các khoáng sản có trữ lượng lớn và quan trọng với nền kinh tế quốc dân như đồng, sắt, bauxite, cromit, titan, chì, kẽm.

Mặc dù, các mỏ khoáng sản thường phân bố chủ yếu tại các tỉnh miền núi, điều kiện giao thông và kinh tế khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) của TKV và các đơn vị, song, TKV và các đơn vị đã tăng cường thực hiện công tác quản lý kỹ thuật công nghệ, quản trị chi phí và chú trọng nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến vào thực tế sản xuất... Qua đó, đã tối ưu hóa được chuỗi giá trị khai thác, chế biến khoáng sản, nâng cao hiệu quả SXKD, bảo đảm an toàn, môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đặc biệt tại các địa phương gần biên giới như Lâm Đồng, Đắk Nông, Lào Cai, Cao Bằng.

Sự lớn mạnh của khối khoáng sản TKV được thể hiện rõ nét nhất, mạnh mẽ nhất trong giai đoạn từ năm 2005 - 2010 bằng việc đẩy mạnh đầu tư, đưa các công trình, dự án lớn vào sản xuất như Tổ hợp đồng Sin Quyền bao gồm Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền
và Công ty Luyện đồng Lào Cai; Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên. Song song với đó, tiếp tục triển khai đầu tư các dự án lớn khác như Tổ hợp bauxit - Nhôm Lâm Đồng, Alumin Nhân Cơ, Gang thép Cao Bằng, Đất hiếm Lai Châu, Vàng Minh Lương... Từ sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp khoáng sản, TKV đã hình thành nên các trung tâm công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản điển hình trên cả nước, cụ thể:

Khoáng sản đồng

Tại Lào Cai, tiếp nối thành công của Tổ hợp đồng Lào Cai (công suất 10.000 tấn đồng/năm), thời gian qua, Tập đoàn đã hoàn thành công tác đầu tư và đưa vào vận hành thương mại một số dự án với tổng mức đầu tư 8.685 tỷ đồng như: Dự án mở rộng và nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai nâng công suất lên 30.000 tấn đồng/năm và các sản phẩm vàng, bạc, axit sunfuric đi kèm; Dự án khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền (công suất 2,24 triệu tấn QNK/năm); Dự án khai thác mỏ đồng Vi Kẽm (công suất 350.000 tấn QNK/năm); Dự án khai thác và dự án Nhà máy Tuyển đồng Tả Phời (công suất 1,0 triệu tấn QNK/năm).

Đến nay, các dự án đều đạt/vượt công suất thiết kế, bảo đảm an toàn môi trường, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội: Nộp ngân sách từ năm 2015 đến 31/5/2024 khoảng 7.500 tỷ đồng; tạo việc làm trực tiếp cho trên 2.000 lao động; hỗ trợ an sinh xã hội tỉnh Lào Cai từ năm 2022 đến nay là trên 34 tỷ đồng.

Khoáng sản sắt

TKV đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh (công suất 5,0-10,0 triệu tấn QNK/năm với tổng mức đầu tư 14.517 tỷ đồng); đưa vào vận hành nhà máy sản xuất phôi thép tại Khu Liên hợp Gang thép Cao Bằng, công suất thiết kế 220.000 tấn/năm, các dự án khai thác tại mỏ sắt Nà Rụa, Kíp Tước. Trong đó, dự án nhà máy sản xuất phôi thép tại Khu Liên hợp Gang thép Cao Bằng đã bảo đảm cung cấp phôi thép CT5 có chất lượng cao cho sản xuất vì chống tại các mỏ than hầm lò của TKV với khối lượng hằng năm trên 90.000 tấn.

Khoáng sản titan

Khu mỏ Lương Sơn I, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã được TKV hoàn thành công tác thăm dò với diện tích 4.013 ha và được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt trữ lượng 42,632 triệu tấn, tổng khoáng vật nặng gồm khoáng vật nhóm titan, zircon và monazt. Hiện nay, TKV đang triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư và xin cấp phép dự án khai thác, tuyển quặng titan tại Bình Thuận với công suất 160.000 tấn Ilmenit/năm.

Khoáng sản cromit
TKV đã đầu tư nhà máy sản xuất ferocrom và hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, tân tiến với công suất 20.000 tấn/năm, cũng như tích cực hoàn thiện việc xin giấy phép khai thác tuyển quặng cromit tại mỏ Cổ Định - Thanh Hóa sau khi hết hạn vào tháng 7/2021 nhằm góp phần thay da đổi thịt của vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” quặng cromit.

Khoáng sản khác (kẽm, chì, thiếc)
Nhà máy điện phân kẽm Thái Nguyên được TKV đưa vào vận hành với sản lượng trên 12.000 tấn kẽm thỏi/năm, đồng thời, tiếp tục đầu tư công nghệ khai thác tận thu tại bãi thải mỏ thiếc Tĩnh Túc, Thập Lục Phần (tỉnh Cao Bằng)...

Chủ tịch HĐTV Ngô Hoàng Ngân kiểm tra sản xuất tại Công ty Kim loại màu Thái Nguyên

Chủ tịch HĐTV Ngô Hoàng Ngân kiểm tra sản xuất tại Công ty Kim loại màu Thái Nguyên

Sản xuất alumin

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và sự tạo điều kiện giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của địa phương 2 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; giai đoạn 2006 - 2007, TKV đã tiến hành đầu tư Dự án Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng (Dự án Tân Rai) tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng với tổng mức đầu tư (TMĐT) 15.414 tỷ đồng và Dự án nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Dự án Nhân Cơ) tại huyện Đắk R’ Lấp tỉnh Đắk Nông với TMĐT 16.821 tỷ đồng. Hai dự án đều có công suất là 650.000 tấn alumin/năm. Trong quá trình thực hiện đầu tư 2 dự án, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn. Song, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nhất quán và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, TKV đã hết sức nỗ lực triển khai, làm chủ hoàn toàn được quy trình công nghệ, hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đưa 2 dự án vào vận hành thương mại (Dự án Tân Rai từ tháng 10/2013; Dự án Nhân Cơ từ tháng 7/2017).

Đến nay, 2 dự án đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng và Đắk Nông như: Lũy kế đến 31/3/2024, tổng giá trị nộp ngân sách trên 9,3 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm trực tiếp cho gần 2.400 lao động (chủ yếu là người dân địa phương) với thu nhập bình quân trên 16 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ an sinh xã hội địa phương trên 500 tỷ đồng; đồng thời thực hiện tốt 5 nội dung theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo kết luận số 245- TB/TW ngày 24/4/2009, bao gồm: Bảo đảm môi trường tự nhiên; giữ vững an ninh, quốc phòng; gìn giữ văn hóa địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển hạ tầng giao thông.

Hiệu quả của 2 dự án đã được Chính phủ khẳng định tại văn bản số 67/TB-VPCP ngày 12/5/2020 và văn bản số 53/TB-VPCP ngày 28/5/2021 về Thông báo kết luận của Thủ tướngChính phủ tại cuộc họp về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị về Quy hoạch bauxite; Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII khẳng định tại Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13 ngày 23/6/2014 về nội dung giám sát “Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư”; Bộ Chính trị đánh giá cao và chỉ đạo tiếp tục mở rộng, nâng công suất tại Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 về định hướng phát triển ngành công nghiệp bauxite - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2016 - 2023 lĩnh vực khoáng sản như sau:

Để đạt được những thành tựu bứt phá trên, Tập đoàn luôn chú trọng xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật (KTKT), các chiến lược phát triển, quy chế/quy định trong công tác quản lý; Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiến tiến, đồng bộ trong các khâu sản xuất khai thác, tuyển khoáng, luyện kim... Đặc biệt, các đơn vị khối khoáng sản đã đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa vào sản xuất để tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Song song với sản xuất, TKV đã phối hợp tích cực với các cấp có thẩm quyền trong công tác xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản, như: QCVN 04:2017/BCTQuy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác quặng hầm lò; Thông tư về quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi… Đồng thời, ban hành các quy định về quản lý an toàn tại các nhà máy, công trường để kiểm soát tối đa mức độ rủi ro, nguồn phát thải trong sản xuất; thường xuyên thực hiện công tác quan trắc ổn định hồ đập, bờ mỏ, bãi thải; chú trọng trồng cây xanh tại khuôn viên các nhà máy, các tuyến đường vận tải, khu vực khai trường, bãi thải đã kết thúc hoạt động khai thác, đổ thải; xây dựng mô hình “nhà máy công viên” đem lại cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Vững bước phát triển

Thời gian tới, yêu cầu về công tác quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, gắn với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng chặt chẽ; cùng với rất nhiều khó khăn, thách thức như khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều vướng mắc; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào và các loại thuế phí cao làm tăng giá thành sản xuất; giá khoáng sản biến động mạnh không theo dự báo.

Nhằm phát huy tối đa nguồn lực, các thuận lợi và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển, TKV tiếp tục duy trì sản xuất hiệu quả các tổ hợp khai thác - chế biến khoáng sản đã đầu tư và đẩy mạnh đầu tư phát triển các khoáng sản chiến lược có trữ lượng lớn (bauxite, titan, đồng, sắt, đất hiếm…). Hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước triển khai thực hiện các dự án đòi hỏi công nghệ phức tạp, quy mô vốn đầu tư lớn, để sớm hình thành và đưa vào vận hành có hiệu quả các tổ hợp khai thác, chế biến khoáng sản bauxite - alumin - nhôm, titan - zircon - pigment, đất hiếm; đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản để tạo ra sản phẩm giá trị kinh tế cao. Đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ, ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất ra các sản phẩm dân dụng, công nghiệp. Đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu từ các mỏ quặng đồng khác ở trong nước, cũng như nhập khẩu tinh quặng đồng, bảo đảm có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động ổn định, lâu dài. Tìm kiếm đối tác trong nước và ngoài nước có năng lực công nghệ, tài chính để hợp tác triển khai đầu tư các dự án chế biến sâu.

Cùng với đó, hợp tác đào tạo với nước ngoài, tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên gia nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoáng sản - hóa chất. Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH&CN để thực hiện chuyển đổi số và sản xuất thông minh trong phát triển, khai thác, chế biến khoáng sản, hóa chất; đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực mới alumin - nhôm, titan - zircon, đất hiếm. Đồng thời, tăng cường quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp “đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy” nhằm cải tạo cảnh quan “sáng - xanh - đẹp”, thân thiện với môi trường; nghiên cứu tái chế và sử dụng chất thải công nghiệp, bùn thải sau tuyển, bùn đỏ, đất đá thải để phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững. Phấn đấu sau năm 2030 đưa doanh thu từ hoạt động khoáng sản, hóa chất lên 90.000-180.000 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng từ 40-60% toàn TKV; nộp ngân sách 8.000-13.000 tỷ đồng/năm; tạomviệc làm cho khoảng 22 nghìn lao động.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cong-nghiep-khoang-san-linh-vuc-mui-nhon-chien-luoc-cua-tkv-718828.html