Công nghiệp là động lực chính giúp GDP tăng trên 7%
Năm 2024, Việt Nam đạt con số tăng trưởng rất ấn tượng trên 7%, là mức cao so với khu vực và trên thế giới. Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mức tăng này có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghệp, nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng tới 9,8 %.
PV: Năm 2024, Việt Nam đạt được con số tăng trưởng rất ấn tượng. Theo bà, những lĩnh vực nào đã có những đóng góp quan trọng, nổi trội cho mức tăng trưởng này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Con số tăng trưởng hơn 7% năm nay thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế so với năm trước. Trong mức tăng này có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghệp. Nếu như năm trước ngành này chỉ tăng hơn 3,7% thì năm nay đã có mức tăng đạt đến 8,36%, trong đó nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 9,8% và ngành điện mức tăng hơn 10%. Đây là động lực chính để giúp cho chúng ta có mức tăng trưởng ấn tượng của năm nay.
Bên cạnh đó, một số ngành dịch vụ cũng tăng cao hơn năm trước, như ngành dịch vụ vận tải với mức tăng gần 11%, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch cũng có mức tăng rất đáng kể so với cùng kỳ năm trước là khoảng 10%.
Còn từ phía cầu, xuất khẩu hàng hóa là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN phục hồi.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng cũng điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, là động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so cùng kỳ, cao hơn rất nhiều mức tăng 5,4% của năm 2023. Đây là những con số minh chứng về sự phục hồi rất mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Cùng với kinh tế đi lên, thu nhập của người lao động cũng có mức tăng tương ứng là 8,6% và năng suất lao động tăng 5,88%.
PV: Theo bà, đâu là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024?
Bà Nguyễn Thị Hương: Những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho mức tăng trưởng cao này trước hết là sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, áp dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.
Giải pháp để “tăng tốc” và “về đích” trong năm 2025
Để “tăng tốc” và “về đích” trong năm 2025, Tổng cục Thống kê đề xuất chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài; Các chính sách kích cầu tiêu dùng, giảm, gia hạn thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và logistics đã có nhiều bước tiến lớn tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và kết nối các vùng miền. Hệ thống cảng biển, đường bộ, và đường sắt được nâng cấp, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những cải thiện này không chỉ hỗ trợ xuất khẩu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng.
Mặt khác, việc ký kết thành công các hiệp định thương mại (FTA) từ những năm trước cũng là tiền đề, cơ hội giúp xuất khẩu của Việt Nam vượt mục tiêu đặt ra, khẳng định vị thế của nước ta như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung vào một vài thị trường lớn mà còn mở rộng sang nhiều thị trường mới nổi.
Việc đón đầu và đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số và chuyển đổi số mạnh cũng tạo ra những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin, quản lý nhà nước.
Đặc biệt, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch kể từ sau dịch Covid-19 với đa dạng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch. Hoạt động du lịch tăng trưởng tốt có tác động lan tỏa tới các ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống...
PV: Năm 2025, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn. Vậy theo bà, những yếu tố, những động lực tăng trưởng nào có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu thách thức này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Để đạt được mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thì chúng ta phải có khát vọng lớn và đặt ra những ngưỡng mục tiêu cao để phấn đấu.
Việc đặt ra mục tiêu như vậy cùng với một loạt các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 01 thể hiện mong muốn, nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc huy động mọi nguồn lực trong doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Để đạt được mục tiêu cao này, nhiều giải pháp cụ thể đã được Chính phủ đề ra. Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh việc phát triển thị trường trong nước, tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam để vươn tầm ra thị trường thế giới, giảm sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó là huy động nguồn lực trong nước để phát triển các hệ thống hạ tầng quan trọng của đất nước, bao gồm cả hạ tầng đường sá, giao thông và hạ tầng số. Những nền tảng này sẽ mở lối đi vững chắc cho Việt Nam phát triển và cất cánh.
PV: Xin cảm ơn bà!
Việt Nam có những cơ hội quan trọng trong năm 2025
Sáng 14/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong kỷ nguyên mới”.
Nhận định về triển vọng kinh tế năm 2025, ông Nguyễn Anh Dương, -Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể có một số cơ hội quan trọng. Thứ nhất, xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng, khoa học công nghệ cao hơn.
Thứ hai, Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó mở rộng không gian cho tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ.
Thứ ba, Việt Nam có thể có cơ hội gia tăng đáng kể năng suất lao động nhờ cải cách thể chế, trong đó có cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải xử lý một số thách thức với tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Đó là, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2025. Sự phát triển nhanh của các công nghệ mới cũng đặt ra thách thức không nhỏ nếu Việt Nam không sớm hiện thực hóa một cách tiếp cận phù hợp.
Bên cạnh đó, thu hút FDI có chất lượng là một yêu cầu đúng đắn, song khó có thể hiệu quả và đúng hướng nếu không kịp thời cụ thể hóa các tiêu chí về chất lượng của dự án.
Lúc này, hiện thực hóa tăng trưởng cao là một yêu cầu quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển đầy tham vọng vào năm 2030 và 2045, song điều này chỉ thực sự có ý nghĩa nếu không đi kèm với áp lực lạm phát cao - ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.