Công nghiệp là trụ cột khôi phục kinh tế tỉnh Quảng Nam
Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút nguồn đầu tư lớn, góp phần quan trọng khôi phục kinh tế tỉnh Quảng Nam năm 2024.
Chiều 14/1, tại buổi gặp mặt đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã thông tin về kết quả tình hình kinh tế tỉnh năm 2024.
Nổi bật nhất là kinh tế tỉnh đã thoát tăng trưởng âm, dần lấy lại đà tăng trưởng. So với năm 2023, kinh tế Quảng Nam (GRDP) năm 2024 tăng trưởng 7,1%.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, có được kết quả này có sự đóng góp quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tỉnh đã nỗ lực thúc đẩy sự phát triển đa dạng ngành nghề và cải thiện môi trường đầu tư. Quảng Nam tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các khu công nghiệp tại các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên. Các ngành công nghiệp này đã thu hút được một số nguồn đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần tạo ra nhiều việc làm và gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng tiếp tục là những mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, du lịch vẫn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Năm 2024, cũng được coi là năm “bội thu” danh hiệu của ngành du lịch Quảng Nam với gần 70 danh hiệu. Phố cổ Hội An (di sản văn hóa thế giới), Thánh địa Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, Rừng dừa Bảy Mẫu và các bãi biển đẹp của Điện Dương và Duy Hải… tiếp tục là điểm đến được ưu thích của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.
Ngành nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tỉnh đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ cao. Ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng và chế biến hải sản, tiếp tục có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Quảng Nam đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các công trình cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và các khu công nghiệp. Việc phát triển các tuyến đường cao tốc (như Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và hạ tầng cảng biển, sân bay giúp kết nối Quảng Nam với các khu vực khác, thúc đẩy thương mại và du lịch.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tịch cực. Đến cuối năm 2024, có 137/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nâng cao và 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Quảng Nam được triển khai mạnh mẽ, chất lượng đời sống của người dân tiếp tục được nâng cao; an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Tỉnh Quảng Nam nỗ lực thúc đẩy sự phát triển đa dạng ngành nghề và cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các khu công nghiệp tại huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên.