Công nghiệp Lai Châu: Dấu ấn 15 năm

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, kinh tế của Lai Châu đã có sự thay đổi rõ nét, trong đó sự vươn lên mạnh mẽ của ngành công nghiệp được ghi nhận là nòng cốt cho những thay đổi này.

Sức bật lớn

Giai đoạn 2014-2018 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm toàn ngành công nghiệp của Lai Châu đạt khá, bình quân đạt 35,46%/năm, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất và phân phối điện, khí đốt, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng. Hiện toàn tỉnh có 1.738 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp, số lượng lao động trong ngành này tăng nhanh, năng suất bình quân đạt 32,5 triệu đồng/người/năm.

Chế biến nông, lâm sản- một trong những ngành công nghiệp thế mạnh của Lai Châu

Đáng lưu ý, một số ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh luôn được ưu tiên phát triển và đã thu về kết quả đáng kể. Đầu tiên là điện, Lai Châu hiện có 64 dự án điện được cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 3.088 MW, tổng mức đầu tư đăng ký 101.979 tỷ đồng, đã có 13 dự án hoàn thành phát điện kinh doanh. Thu ngân sách về thủy điện năm 2018 của tỉnh đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Công nghiệp khai khoáng được tỉnh định hướng phát triển theo chiều sâu, ưu tiên các dự án khai khoáng có chế biến và chế biến sâu. Đến nay, tỉnh đã thu hút và cấp chủ trương đầu tư 7 dự án khai thác khoáng sản với tổng số vốn đăng ký đầu tư 942,1 tỷ đồng; 41 dự án về khai thác, chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng với tổng số vốn đăng ký đầu tư 463,6 tỷ đồng.

Riêng với công nghiệp chế biến nông lâm sản, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 nhà máy chế biến gỗ; 8 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã, trên 100 hộ cá thể sản xuất chế biến chè đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Nhà máy chế biến mủ cao su, mắc ca hiện đang được xây dựng, sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Phát triển dựa trên 4 ngành công nghiệp thế mạnh

Với những kết quả đã đạt được, công nghiệp tiếp tục được kỳ vọng là nhân tố “đinh” cho Lai Châu hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ.

Cụ thể, đến năm 2030, Lai Châu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn khoảng 6-7%/năm; GRDP bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/năm. Đặc biệt, công nghiệp, xây dựng chiếm tới 50% trong cơ cấu kinh tế.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp dựa trên 4 ngành công nghiệp chính có tiềm năng và lợi thế: Công nghiệp; công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Cùng đó, tỉnh cũng thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển công nghiệp. Xây dựng, ban hành danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào các dự án trọng tâm, trọng điểm trên cơ sơ phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nguồn đầu tư.

Lai Châu sẽ khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nhất là khoáng sản, rừng và tài nguyên nước bằng cách đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới; xử lý nghiêm việc khai thác tài nguyên trái phép.

Riêng với ngành điện, để ngành này phát huy tối đa lợi thế, Lai Châu kiến nghị với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện trạm biến áp 220kV Mường Tè và đường dây 220kV Mường Tè, trạm biến áp 500 KV Lai Châu; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung trạm biến áp 220 KV Pắc Ma, điều chỉnh đường dây đấu nối các dự án thủy điện Pắc Ma, Nậm Củm từ cấp điện áp 110 kV lên 220 kV; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các công trình lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất thủy điện khu vực Tây Bắc giai đoạn 2020-2030.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-lai-chau-dau-an-15-nam-123226.html