Công nghiệp làm phim thế giới tiến như vũ bão, còn Việt Nam… cười xòa
Kỹ xảo đã trở nên đỉnh cao trong làm phim trên thế giới nhưng ở Việt Nam còn hãn hữu. Nền điện ảnh Việt Nam không biết đang ở đâu trong tiến hóa làm phim của thế giới?
Khi đến xem trường quay phim Tam Quốc ở Giang Tô, một người nói với tôi, họ dùng những cái thuyền bé tý như trò chơi, thế mà làm được phim trận Xích Bích. Thật là giả tạo!
Lời chê trách ấy lại là lời khen mà người nói vô ý không biết. Phim ảnh là làm giả như thật. Nếu dựng Xích Bích trên trường quay quy mô như Hoành Điếm cho cảnh phim “Chiến tranh nha phiến” sẽ phải đóng các tàu to như thật, còn mặt hồ phải rộng mênh mông.
Nhưng ở Giang Tô, những cái thuyền như đồ chơi, và máy tính đã giúp tạo nên một không gian thực sự rộng rãi. Đây là một cột mốc mới trong kỹ thuật làm phim. Người Mỹ có thể dùng máy tính làm ra con hổ không có thật như trong phim “Chuyện của Pi”, hoặc một diễn viên đã chết mà vẫn còn diễn xuất, xuất hiện và hành động thì cũng không còn lạ như trong “Fast and furious”.
Hồi năm 2010, một người Trung Quốc nói với tôi, khoảng 100 năm nữa Bắc Kinh mới làm được phim “Avatar”, nhưng đến năm 2018, họ đã có thể làm được vì tiến bộ công nghệ. Hiện nay các con chip đã mạnh hơn rất nhiều, điều mà 8 năm trước là không tưởng, chỉ những nhà giàu Mỹ mới làm được, nay có thể mua được ở bất kỳ đâu.
Trong khi nền công nghiệp làm phim tiến như vũ bão, thì ở Việt Nam chúng ta… cười xòa.
Tôi biết một đạo diễn có danh tiếng người Việt Nam khi làm phim cái gì cũng cần phải dựng thành cảnh y như thật, rồi mang đầy đủ diễn viên đi chứ chưa bao giờ quay kết hợp kỹ xảo, dù là kỹ xảo đơn giản nhất như nhân người, thay cảnh.
Có người làm phim nhựa truyền thống ở ta vẫn vỗ ngực nói phải làm như anh ta mới là “chuyên nghiệp” và bài xích tất cả những người làm kiểu khác. Đó là trạng thái làm phim bây giờ ở ta.
Trước đây có một đạo diễn Việt kiều về Việt Nam làm phim, thì người ta dấy lên một trào lưu bới móc khuyết điểm, phê phán đạo kịch bản. Ghen tỵ là bệnh của không chỉ nền điện ảnh, nó giết chết sáng tạo vì thiếu cạnh tranh, hậu quả của thời kỳ bao cấp còn vang bóng.
Ít ai để ý xem những bảng tên trôi sau khi kết thúc phim nhưng tôi luôn đã để ý vì bệnh nghề nghiệp. Riêng phần kỹ xảo, đã phân ra hàng chục đầu mục, mỗi đầu mục hàng chục người. Âm thanh và hình ảnh, kỹ xảo kéo dài tên đến hàng trăm hàng nghìn người, đó là chỉ là phim thông thường. Nhiều phim trôi bảng bên mười phút là thường.
Thay vào đó, ở Việt Nam là bảng cám ơn các đơn vị đã cho mượn bối cảnh. Tôi đã nhìn thấy ảnh bên trong một công ty làm kỹ xảo ở Canada, giống như là bên trong một công xưởng may công nghiệp. Đó là chuyện xa lạ ở Việt Nam.
Vừa qua, tôi có làm một phim lịch sử, hậu kỳ cần phải quay bổ sung nhân vật chính. Anh này muốn gây khó khăn với đoàn làm phim, đòi mức thù lao cao vô lý, và nhất định không quay bổ sung.
Tuy nhiên, nhờ có kỹ xảo, chúng tôi đã phải lần lượt “gắp” hình quay cũ của anh ta vào các bối cảnh mới. Đó là việc rất nhiêu khê và tốn công.
Một công ty kỹ xảo hàng trăm người, có máy tính mạnh sẽ làm việc đó bình thường dù mất thời gian. Chúng tôi đã làm việc đó trong điều kiện của mình nên càng mất thời gian hơn, vất vả hơn, nhưng đã dám làm và có thể làm được. Nếu chuyện này xảy ra cách đây mươi năm, có thể đoàn phim phải quỳ lạy diễn viên.
Trong hoàn cảnh quay kỹ xảo, ngay cả diễn viên cũng không hình dung rồi đây phim sẽ như thế nào. Khi đoàn làm phim “Hà Nội, Hà Nội” kết thúc, hồi ấy ở Việt Nam có người đã quả quyết, phim sẽ xấu xí chẳng ra gì vì toàn quay vào những ngày mưa, ánh sáng yếu. Nhưng vị ấy không biết, tại các phòng hậu kỳ ở Bắc Kinh, người ta đã can thiệp kỹ xảo; sau khi lên phim, không ai bảo đó là cảnh quay không đẹp.
Khi nghe tin một đạo diễn thuê cả dàn võ sư đóng phim võ thuật, tôi đã thấy nghi ngại. Quả vậy, quay người thật đóng phim thì lên phim lại cứ giả giả. Hồi ở Hoành Điếm, tôi đã xem đoàn phim “Xác ướp lăng mộ” quay một vài cảnh. Họ làm như chơi trò giả. Động tác như người không biết võ. Ấy vậy mà trên phim võ công lại phi phàm. Đó là sự can thiệp của kỹ xảo. Nền điện ảnh ở Việt Nam không biết đang ở đâu trong tiến hóa làm phim của thế giới?
Thời đại trường quay đã qua. Hiện nay, nếu kinh phí lớn, họ đến tận nơi hoặc trường quay để quay cảnh, rồi can thiệp kỹ xảo. Cho nên không còn cảnh các đoàn ăn dầm ở dề ở trường quay nữa. Đáng ngạc nhiên là ở Việt Nam, vẫn có những nhóm đang xây dựng trường quay theo mô hình Hoành Điếm?