Công nghiệp môi trường: Gỡ rào cản thể chế, mở đường cho thị trường

Luật thay đổi, định nghĩa thu hẹp khiến ngành công nghiệp môi trường gặp nhiều vướng mắc. Đã đến lúc cần gỡ rào cản thể chế để mở đường thị trường.

Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, công nghiệp môi trường được xác định là ngành kinh tế quan trọng. Quy định Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) về thu hồi, tái chế sản phẩm thải bỏ, cùng với Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, đã mở ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong thực thi, đặc biệt là về công nghệ xử lý. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và trình Chính phủ Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn 2025 - 2035.

Để hiểu rõ hơn về nội dung trên, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sinh Thành, Phó Trưởng phòng Phòng Môi trường Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương).

Công nghiệp môi trường cần định vị mới

- Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt nhằm hình thành ngành kinh tế xanh, phát triển các công nghệ xử lý môi trường trong nước. Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nào và kết quả đạt được ra sao?

Ông Phạm Sinh Thành: Như chúng ta đã biết, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 192/QĐ-TTg năm 2017. Theo đó, phát triển ngành công nghiệp môi trường được hiểu là phát triển đồng bộ các lĩnh vực: cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ mục tiêu, yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Để đánh giá kết quả thực hiện Đề án đến nay, có thể dựa vào 3 mục tiêu cơ bản: Một là phát triển công nghệ xử lý, tái chế chất thải; công nghệ phân tích, quan trắc và giảm thiểu tác động môi trường; hai là phát triển thiết bị, sản phẩm phục vụ nhu cầu bảo vệ môi trường; ba là phát triển dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ xử lý nước thải, dịch vụ xử lý, tái chế chất thải...

Ông Phạm Sinh Thành, Phó Trưởng phòng Công nghiệp môi trường, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Phạm Sinh Thành, Phó Trưởng phòng Công nghiệp môi trường, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành

Tuy nhiên, từ năm 2020, khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành, lĩnh vực công nghiệp môi trường đã được định nghĩa lại. Khi đó, các nội dung liên quan đến công nghệ xử lý chất thải và dịch vụ xử lý nước thải không còn nằm trong định nghĩa trong Luật Bảo vệ môi trường nữa. Vì vậy, phạm vi ngành công nghiệp môi trường bị thu hẹp, chỉ còn là một ngành kinh tế cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ nhu cầu bảo vệ môi trường. Phần dịch vụ môi trường, vốn được coi là một nội dung trong Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường năm 2017, nay đã được tách riêng thành một điều khoản riêng về phát triển dịch vụ môi trường.

Cùng với đó, khi Nghị định 08/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, công nghệ trong ngành công nghiệp môi trường theo Đề án 192 lại bị giới hạn bởi phụ lục 33 của nghị định. Theo đó, công nghệ công nghiệp môi trường chỉ còn được hiểu là công nghệ để sản xuất, chế tạo sản phẩm, thiết bị và máy móc.

Do đó, đối chiếu với mục tiêu ban đầu của Quyết định 192, hai mục tiêu là: Thứ nhất, phát triển công nghệ xử lý; thứ hai, phát triển dịch vụ xử lý thì không còn nằm trong phạm vi điều chỉnh của khái niệm, thuật ngữ ngành công nghiệp môi trường nữa.

Riêng về mục tiêu phát triển thiết bị và sản phẩm phục vụ nhu cầu bảo vệ môi trường, có thể đánh giá là đã đạt được. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều thiết bị như thiết bị xử lý lọc bụi tĩnh điện dùng cho các nhà máy nhiệt điện với yêu cầu kỹ thuật rất cao; thiết bị quan trắc tự động... Như vậy, mục tiêu cung cấp thiết bị và sản phẩm phục vụ nhu cầu bảo vệ môi trường đã được thực hiện tốt.

Về phương diện thể chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến. Cụ thể, sau khi Nghị định 08 được ban hành, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì hai nội dung chính là:

Thứ nhất, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục thiết bị, công nghệ và sản phẩm công nghiệp môi trường. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 980 về danh mục này.

Thứ hai, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2030. Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Văn phòng Chính phủ đang hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng quyết định ban hành.

- Thưa ông, trong quá trình thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, những rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý gặp phải là gì?

Ông Phạm Sinh Thành: Trong quá trình triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường cũng như triển khai các quy định của luật, nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường, chúng tôi nhận thấy rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường gặp phải chính là sự thiếu hụt các quy định pháp lý để cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển.

Luật đã quy định, nếu đầu tư phát triển vào công nghiệp môi trường sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Nghị định 08 cũng cụ thể hóa điều này, quy định rằng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường sẽ được áp dụng các cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có Quyết định 980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường. Trong khi đó, doanh nghiệp rất kỳ vọng, sản phẩm của họ khi xuất khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế, nhưng để làm được điều đó thì cần phải có mã HS (HS code) cho sản phẩm hàng hóa.

Hiện tại, Nghị định 08 của Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nội dung liên quan đến mã HS, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Do thiếu mã HS, nên các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp môi trường khi xuất khẩu vẫn chưa được hưởng ưu đãi.

Ngoài ra, mặc dù luật và nghị định đã công nhận ngành công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế, nhưng hiện nay lại chưa có mã ngành kinh tế tương ứng cho lĩnh vực này. Việc thiếu mã ngành dẫn tới tình trạng không có căn cứ pháp lý để áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Đây là một rào cản mang tính pháp lý rất rõ ràng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, một rào cản lớn hơn đó chính là sự thiếu thống nhất trong cách hiểu về ngành công nghiệp môi trường giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị và cá nhân.

Công nhân đang điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải. Ảnh minh họa

Công nhân đang điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải. Ảnh minh họa

Ngay cả cách tiếp cận trong Đề án phát triển công nghiệp môi trường năm 2017 được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định 192) cũng đã có sự khác biệt so với hiện tại. Nay, do phạm vi điều chỉnh bị thu hẹp, thì phạm vi của ngành công nghiệp môi trường theo quy định pháp luật hiện hành chỉ giới hạn ở việc cung cấp sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường, chứ không bao gồm hoạt động tái chế hay xây dựng cơ sở tái chế.

Vì vậy, một số sản phẩm lẽ ra nên được xếp vào nhóm sản phẩm công nghiệp môi trường để được hưởng ưu đãi lại không được công nhận. Ví dụ, các sản phẩm nhựa tái chế, giấy tái chế, dầu tái chế... từ quá trình tái chế, nếu được công nhận là sản phẩm ngành công nghiệp môi trường thì doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi.

Bên cạnh đó, trong Quyết định 192 cũng đã định hướng phát triển một số “mầm kết tinh” trong đó những mô hình nền tảng như trung tâm tái chế, trung tâm xử lý để từ đó nhân rộng. Tuy nhiên, từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, phạm vi của ngành công nghiệp môi trường bị thu hẹp, dẫn đến việc các nội dung đó không còn thuộc phạm vi điều chỉnh của khái niệm công nghiệp môi trường.

Do đó, các hoạt động như xây dựng trung tâm tái chế, trung tâm xử lý chất thải... cũng không còn được coi là một phần của ngành công nghiệp môi trường đồng nghĩa với việc không được hưởng chính sách ưu đãi.

Tháo gỡ điểm nghẽn

- Trước yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Bộ Công Thương sẽ tập trung ưu tiên những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nào để thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường trong giai đoạn 2025 - 2030?

Ông Phạm Sinh Thành: Thực tế cho thấy, giải pháp chỉ hiệu quả khi gắn liền với nguyên nhân. Những điểm nghẽn khiến ngành công nghiệp môi trường chưa phát triển đúng kỳ vọng cần được tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Khi Bộ Công Thương trình Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2030, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo rà soát lại nội dung chương trình, đặc biệt là việc các công nghệ xử lý nước thải, chất thải không còn được đề cập. Nguyên nhân là do Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08 đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh của ngành công nghiệp môi trường, loại bỏ các lĩnh vực xử lý, tái chế ra khỏi định nghĩa.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý để mở rộng phạm vi, đồng thời hoàn thiện mã ngành kinh tế, mã sản phẩm cho ngành. Bộ Công Thương cũng được giao rà soát lại danh mục công nghệ, thiết bị, sản phẩm theo Quyết định 980 và đề xuất bổ sung các công nghệ xử lý, tái chế từng được nêu trong Đề án 192.

Một rào cản lớn hiện nay là chưa xác định được chủ thể chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành các cơ sở xử lý, chế biến chất thải, dẫn đến tình trạng có thiết bị nhưng không có nơi triển khai. Do đó, chương trình phát triển ngành cần bổ sung nội dung này để khắc phục khoảng trống thể chế và tổ chức thực hiện.

Trong phiên làm việc mới đây của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng đã chỉ đạo rõ, cần đánh giá, sửa đổi các quy định pháp luật và nghị định liên quan để đáp ứng kỳ vọng về xử lý chất thải, thay vì chỉ tập trung sản xuất thiết bị. Đây là những định hướng trọng tâm mà Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu trong thời gian tới.

- Việc phát triển công nghiệp môi trường đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ với các ngành sản xuất, thu gom, xử lý chất thải, tái chế cho đến đẩy mạnh sử dụng sản phẩm tái chế. Xin ông chia sẻ định hướng của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ xử lý môi trường tiên tiến?

Ông Phạm Sinh Thành: Để phát triển một ngành kinh tế nói chung và ngành công nghiệp môi trường nói riêng, nhiệm vụ then chốt là phát triển thị trường. Không có thị trường tiêu thụ, ngành không thể tồn tại và cạnh tranh do chi phí cao, quy mô nhỏ. Vì vậy, trong Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường do Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ, phát triển thị trường được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Việc phát triển ngành không thể do riêng một bộ, ngành đảm nhận mà cần sự dẫn dắt của Chính phủ, phối hợp liên ngành và vai trò trung tâm của doanh nghiệp. Do đó, rất cần các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động đề xuất: cần hỗ trợ gì, vướng mắc ở đâu.

Sắp tới, khi chương trình được phê duyệt, một trong những trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chính sách, tạo nhận thức và thúc đẩy tham gia từ doanh nghiệp đến chính quyền địa phương và người dân.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cần thiết để xây dựng quy định pháp lý và tạo áp lực tuân thủ, từ đó hình thành thị trường xử lý môi trường.

Về thể chế, Bộ Tài chính được giao xây dựng mã ngành kinh tế, mã sản phẩm, nhưng Bộ Công Thương sẽ chủ động làm đầu mối tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, đây là những đơn vị hiểu rõ nhất về sản phẩm của mình để tổng hợp, đề xuất và phối hợp ban hành chính thức.

Đây là một cơ hội lớn, dù kèm theo không ít thách thức. Nhưng tôi tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, ngành công nghiệp môi trường sẽ có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Công nghiệp môi trường không chỉ là động lực kinh tế mới, mà còn là chìa khóa cho tương lai bền vững của đất nước. Việc phát triển công nghiệp môi trường đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ với các ngành sản xuất, thu gom, xử lý chất thải, tái chế cho đến đẩy mạnh sử dụng sản phẩm tái chế.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-moi-truong-go-rao-can-the-che-mo-duong-cho-thi-truong-412186.html