Công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP: Mục tiêu đầy triển vọng

Đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước và đến 2035, đóng góp 8% vào GDP. Đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng.

Công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Lê Thị Song An - đoàn Long An cho biết, về nguồn vốn đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn của chương trình, theo Tờ trình của Chính phủ thì các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình là 256.000 tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, trong đó vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.

Bà An cho rằng, nguồn vốn này khá cao, trong đó có nguồn vốn huy động từ các nguồn lực xã hội mà chương trình cũng chưa xác định rõ các danh mục, dự án cụ thể để kêu gọi xã hội hóa.

Như vậy, nếu chương trình không ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia từ các nguồn lực của xã hội, chương trình sẽ khó thực hiện và tiếp tục lặp lại những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội hội về các chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào chương trình để giảm bớt ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phân bổ vốn ngân sách địa phương cho chương trình cần tính đến các địa phương còn khó khăn, thu ngân sách thấp, hạn chế sự cào bằng trong quá trình thực hiện.

Về nội dung thành phần của chương trình liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, theo đại biểu, phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa đề ra trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Ngày nay, công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc.

Qua nghiên cứu chương trình mục tiêu đặt ra đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước, đến năm 2035 phấn đấu ngành này đóng góp 8% vào GDP và có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%. Đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân và xác định có 12 lĩnh vực.

"Chương trình cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này thì lĩnh vực nào cần phải tập trung đầu tư nguồn lực, lĩnh vực nào cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả" - đại biểu nói.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành như Luật Di sản văn hóa, Nghị định 31 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466 của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 về danh mục thực hiện xã hội hóa để nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.

Quy định cụ thể cơ chế xây dựng thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp

Về xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, đại biểu đoàn Long An nhận định, đây là mục tiêu chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước, bởi không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các thiết chế này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Điều này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất, hiệu quả kinh doanh mà chưa chú trọng nhiều đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; một số doanh nghiệp thiếu quỹ đất; doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính còn yếu, dẫn đến chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa.

Ngoài ra, do người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca, chăm lo cuộc sống nên ít có thời gian thư giãn, giải trí.

Để từng bước, từng bước khắc phục các hạn chế trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung các quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, nhất là sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp trong việc đầu tư quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người lao động.

Về việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, việc đầu tư này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần phải có lộ trình phù hợp, vì hiện nay trong nước vẫn còn nhiều công trình cần được xây dựng, hoàn thiện.

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa này được thực hiện nếu đáp ứng nhu cầu, mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và quảng bá văn hóa của nước ta.

Với sự phát triển công nghiệp của công nghệ số như hiện nay, chúng ta có thể tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua các nền tảng số sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên ưu tiên việc hoàn thiện các công trình thiết yếu trong nước nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phát triển vững chắc ở nội tại của đất nước, sau đó sẽ có lộ trình phù hợp xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-van-hoa-dong-gop-7-gdp-muc-tieu-day-trien-vong-327001.html