Công nghiệp văn hóa Việt Nam tồn tại nhiều nút thắt: Tháo gỡ thế nào?
Nếu thực hiện một cách bài bản và kiên định, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc sắc, không chỉ phản ánh bản sắc dân tộc mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đóng góp hơn 4% tổng GDP của quốc gia. Giai đoạn 2018 - 2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Dù gặt hái được thành công bước đầu, phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn đối diện với nhiều nút thắt, gây cản trở đến việc khai thác tiềm năng và lợi thế của đất nước trong lĩnh vực này. Những khó khăn trải dài trên nhiều khía cạnh như chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cả nhận thức xã hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, về mặt chính sách, dù Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, song việc thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Các quy định pháp lý chưa đồng bộ, thiếu cơ chế ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, và chưa có những chính sách dài hạn để khuyến khích đầu tư tư nhân.
Hơn nữa, thị trường văn hóa vẫn chưa được định hình rõ nét, đặc biệt là trong việc quản lý bản quyền và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Điều này khiến nhiều sản phẩm văn hóa không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng vật chất và hạ tầng kỹ thuật số, cũng là một rào cản lớn. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, một số không gian sáng tạo đã bắt đầu hình thành, nhưng nhìn chung, mạng lưới này còn manh mún và chưa đủ quy mô để hỗ trợ một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa thực sự. Các trung tâm văn hóa, rạp chiếu phim, sân khấu, bảo tàng hiện đại – những nền tảng cơ bản để thúc đẩy hoạt động sáng tạo – còn thiếu hụt, đặc biệt là ở các địa phương. Hạ tầng kỹ thuật số cũng chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn trong việc quảng bá và phân phối sản phẩm văn hóa qua các nền tảng trực tuyến, vốn là xu hướng toàn cầu.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng nguồn nhân lực, yếu tố quyết định đến sự sáng tạo và đổi mới, đang là một vấn đề nan giải. Mặc dù Việt Nam có đội ngũ nghệ sĩ tài năng và giới trẻ nhiệt huyết với sáng tạo, nhưng sự thiếu hụt các chương trình đào tạo chuyên sâu và bài bản trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã làm hạn chế tiềm năng của họ. Ngoài ra, kỹ năng quản trị, tiếp thị và xây dựng thương hiệu – những yếu tố quan trọng để đưa sản phẩm văn hóa ra thị trường quốc tế – cũng chưa được chú trọng trong đào tạo.
“Những khó khăn này không chỉ bắt nguồn từ hạn chế về nguồn lực mà còn từ nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa. Nhiều người, bao gồm cả một số nhà quản lý, vẫn xem văn hóa là lĩnh vực phụ trợ, không phải ngành kinh tế quan trọng. Điều này dẫn đến việc phân bổ ngân sách không tương xứng, cũng như sự thiếu quyết tâm trong việc cải cách chính sách để tạo đột phá”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ rõ.
Ông Bùi Hoài Sơn nói thêm: “Nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở việc công nghiệp văn hóa là lĩnh vực đa ngành, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan, từ văn hóa, giáo dục, đến công thương. Tuy nhiên, sự phối hợp này ở Việt Nam còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm. Đồng thời, sự phụ thuộc vào các mô hình phát triển truyền thống mà chưa tận dụng được những tiến bộ của công nghệ số cũng khiến Việt Nam mất cơ hội để vươn lên cạnh tranh trong khu vực”.
GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chỉ rõ: “Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như thu nhập bình quân đầu người thấp, nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa và quảng bá ra thế giới vẫn còn hạn chế so với nhiều nước. Bên cạnh đó, còn có điểm nghẽn về luật. Ngành công nghiệp văn hóa phụ trách điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm… nhưng nghệ thuật biểu biểu diễn và triển lãm chưa có luật mà mới chỉ có nghị định”.
“Theo tôi thấy, lĩnh vực nào có luật và được điều chỉnh kịp thời thì phát triển rất tốt, chẳng hạn như luật điện ảnh, luật du lịch, luật quảng cáo. Do đó, cần ưu tiên để Quốc hội thông qua luật nghệ thuật biểu diễn và luật mỹ thuật và nhiếp ảnh thì mới có căn cứ, hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để phát triển”, bà Từ Thị Loan nói thêm.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, chúng ta đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, Mỹ… Muốn đi ra biển lớn thì phải phát triển tốt ở thị trường nội địa. Phải có những bộ phim bom tấn, ban nhạc chinh phục công chúng nội địa thì mới có thể "mang chuông đi đánh xứ người”.
“Trước hết phải khẳng định được nội lực với công chúng Việt Nam, khẳng định được thương hiệu thì mới vươn ra nước ngoài, phải có được những ban nhạc chuyên nghiệp tài năng như BlackPink, BTS, ca sĩ bài bản chuyên nghiệp, các bộ phim phải đạt được mặt bằng chung của thế giới”, bà Từ Thị Loan nói.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, công nghiệp văn hóa là một quy trình, tuân theo quy luật thị trường, đầu tiên là khâu sáng tạo, rồi đến sản xuất, phân phối và phát hành, tiêu dùng. Ngay từ khâu lên ý tưởng, nghệ sĩ cần được tự do sáng tạo. Nếu có cơ chế phù hợp, văn nghệ sĩ được bung sức sáng tạo các tác phẩm đỉnh cao, đụng chạm đến những vấn đề căn cốt nhất của cuộc sống và xã hội.
Về mặt kinh doanh, cần phải tạo điều kiện cho một thị trường lành mạnh, hoạt động đúng theo quy luật cung cầu. Sản xuất gì, làm cho ai phải do thị trường quyết định và tuân theo quy luật cạnh tranh sòng phẳng, không có chuyện ưu tiên cho khu vực nhà nước còn tư nhân thì không.
Về việc tăng đánh thuế VAT từ 5% lên 10% với lĩnh vực văn hóa từ năm 2025, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng điều này đã khiến giới văn nghệ sĩ choáng váng. Theo bà, các nước khác nhanh thì 10 năm, không thì 20 – 30 năm mới đánh thuế ngành văn hóa. Nếu đánh thuế ngành Văn hóa ngang với các ngành khác thì nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực khác như CNTT, Y tế, Giáo dục, Xây dựng… có khả năng sinh lời nhanh hơn. Đó là còn chưa kể đến việc đầu tư vào văn hóa cũng khá mạo hiểm và khó thu hồi vốn.
Đối với vấn đề nguồn lực, GS.TS Từ Thị Loan nhận định mặc dù nói là ưu tiên đào tạo nguồn lực văn hóa – nghệ thuật nhưng sinh viên có năng lực lại không có nhiều người thi vào các trường văn hóa – nghệ thuật. Đi theo ngành văn hóa kiếm việc đã khó mà lương không cao. Nhiều người theo đuổi ngành này phải chuyển sang ngành khác vì cuộc sống bấp bênh.
Những nút thắt trên không chỉ là thách thức mà còn là lời nhắc nhở rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần sự đổi mới toàn diện – từ việc xây dựng chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, đến đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức. Giải quyết được những khó khăn này, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mới có thể thực sự bứt phá và trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để gỡ các nút thắt và đưa các sản phẩm văn hóa Việt Nam trở thành biểu tượng văn hóa quốc gia, cần có một chiến lược đồng bộ, dài hạn và sáng tạo. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự đầu tư lớn từ Nhà nước mà còn cần sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo và cả xã hội.
Trước tiên, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Các cơ chế hỗ trợ cần được thiết kế cụ thể và ưu tiên hơn, như giảm thuế cho các doanh nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tài chính cho các dự án văn hóa có tiềm năng, hay khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Chính phủ cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng các hành lang pháp lý về bản quyền, sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền lợi cho nghệ sĩ và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sáng tạo và bảo vệ sản phẩm văn hóa trước các thách thức toàn cầu.
Cơ sở hạ tầng văn hóa cần được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Những không gian sáng tạo như rạp hát, bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, hay thậm chí các khu vực biểu diễn công cộng, cần được phát triển rộng khắp, đặc biệt ở các đô thị lớn. Các nền tảng kỹ thuật số cũng cần được chú trọng để quảng bá và phân phối sản phẩm văn hóa ra thị trường quốc tế. Việc xây dựng các hạ tầng số như nền tảng streaming, thương mại điện tử dành riêng cho sản phẩm văn hóa Việt Nam là bước đi cần thiết trong thời đại công nghệ.
Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo cũng là yếu tố then chốt. Cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp văn hóa tại các trường đại học và viện nghiên cứu, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tạo. Ngoài ra, việc mời gọi chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để chuyển giao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cũng là cách hiệu quả để phát triển nhân lực trong ngành.
Doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm trong việc thương mại hóa các sản phẩm văn hóa. Để đạt được điều này, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách kết nối họ với những quỹ đầu tư, chương trình hợp tác quốc tế, hoặc tổ chức các hội chợ, triển lãm lớn nhằm đưa sản phẩm văn hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc áp dụng công nghệ mới, xây dựng thương hiệu và mở rộng mạng lưới hợp tác để tăng tính cạnh tranh.
Quảng bá văn hóa Việt Nam cần được thực hiện một cách bài bản, có trọng tâm. Những sản phẩm văn hóa tiêu biểu – từ âm nhạc, điện ảnh, thời trang đến ẩm thực và di sản – cần được định vị như biểu tượng văn hóa quốc gia. Việc tham gia các sự kiện quốc tế như Liên hoan phim Cannes, Tuần lễ thời trang quốc tế, hay các hội chợ nghệ thuật toàn cầu không chỉ giúp giới thiệu sản phẩm mà còn nâng cao hình ảnh quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng sức mạnh của truyền thông số và mạng xã hội để lan tỏa giá trị văn hóa, tạo hiệu ứng toàn cầu cho các sản phẩm sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc cần đi đôi với sáng tạo hiện đại. Các sản phẩm văn hóa nên lấy cảm hứng từ di sản truyền thống, nhưng được phát triển theo cách tiếp cận mới, gần gũi với người trẻ và phù hợp với thị hiếu quốc tế. Chẳng hạn, sử dụng chất liệu từ dân ca, nghệ thuật cổ truyền để làm phim, nhạc, hay thiết kế thời trang, nhưng được thể hiện qua lăng kính hiện đại và chuyên nghiệp.
Đặc biệt, cần một chiến lược ngoại giao văn hóa mạnh mẽ để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Các chương trình giao lưu văn hóa, hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO, hoặc tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt Nam tại các quốc gia lớn sẽ giúp xây dựng nhận thức và tình yêu đối với văn hóa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Cuối cùng, sự thay đổi này cần sự đồng lòng của cả xã hội. Chính phủ, doanh nghiệp, giới sáng tạo và người dân cần chung tay để đưa văn hóa Việt Nam không chỉ trở thành nền tảng tinh thần mà còn là sức mạnh kinh tế và thương hiệu quốc gia. Nếu thực hiện một cách bài bản và kiên định, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc sắc, không chỉ phản ánh bản sắc dân tộc mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.