Công nghiệp vi mạch bán dẫn và câu chuyện đầu tư cho tương lai
Hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vừa phù hợp xu thế hiện nay trên thế giới, vừa phù hợp với tiềm năng, nguồn lực con người của Việt Nam, vừa mang lại lợi ích cho người dân nên chắc chắn người dân sẽ tham gia một cách tích cực và hiệu quả.
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc với Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn của Hoa Kỳ ngày 19/9/2023.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp bán dẫn đã đầu tư, hoạt động tại Việt Nam, đóng góp cho tiến trình thúc đẩy nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ; đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, đầu tư sâu hơn, rộng hơn, nhiều hơn tại Việt Nam trong tất cả các khâu như đầu tư hạ tầng; chuyển giao công nghệ, thiết kế, tổ chức sản xuất và phân phối; đào tạo nhân lực với sự tham gia của các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu, đào tạo của cả hai nước.
Từ đó, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và từng bước đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu trong nhiều khâu từ thiết kế, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, sản xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vừa phù hợp xu thế hiện nay trên thế giới, vừa phù hợp với tiềm năng, nguồn lực con người của Việt Nam, vừa mang lại lợi ích cho người dân nên chắc chắn người dân sẽ tham gia một cách tích cực và hiệu quả.
Trước đó, ngày 6/9, phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: “Chính phủ cam kết sẽ phát triển ngành công nghiệp điện tử mạnh để tạo ra nhu cầu mạnh mẽ cho việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn bởi đây là đầu tư cho tương lai”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thay thế cho mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trước đây. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng về con người hết sức chăm chỉ, ham học hỏi, đội ngũ các nhà khoa học luôn đau đáu với sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ cam kết sẽ phát triển ngành công nghiệp điện tử mạnh để tạo ra nhu cầu mạnh mẽ cho việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Trong đó, Việt Nam sẽ đi từ khâu thiết kế mô hình sản phẩm, cho đến chế tạo, kiểm thử… Từ các nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp khoa học và công nghệ, Nhà nước sẽ không hạn chế trong việc đầu tư hạ tầng để các doanh nghiệp, các trường Đại học có thể đưa vào đào tạo nguồn nhân lực với các phòng Lab hiện đại nhất.
Phó Thủ tướng cũng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao sau đại học để dẫn dắt sự phát triển của công nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.
“Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại nhất cho các trường đại học, doanh nghiệp đào tạo nhân lực để nắm vững cả chuỗi giá trị của công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là đầu tư cho phát triển, cho tương lai” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp Mỹ, có cơ sở vững chắc cho những nhận định của mình. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, quyết định phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là quyết định đúng đắn và đúng thời điểm.
“Quyết định sản xuất chip tại Việt Nam được đưa ra đúng thời điểm, khi thế giới đang thiếu chip còn Việt Nam thì đang triển khai công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm chuyển đổi sang chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” - TS. Majo George, Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT nhận định.
Cũng theo TS. Majo George, bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip sẽ là cơ hội để Việt Nam tự phát triển hoặc tiếp nhận chuyên môn công nghệ tiên tiến nhất. Bước tiến này có thể đầy thách thức nhưng đồng thời cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất nổi bật của khu vực trong tương lai. Nhìn vào con số hơn 5,5 nghìn kỹ sư thiết kế chip, 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành bán dẫn, 635 công bố liên quan đến vi mạch tính đến hết 2022, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM, đánh giá: “Quy mô của ngành điện tử Việt Nam đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong khâu thiết kế và đóng gói”.
Tất nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Cơ hội lớn sẽ đi liền với thách thức lớn. Tiến bước vào thị trường trăm tỷ USD như thị trường bán dẫn không hề là hành trình dễ dàng, kể cả với nhiều nước trong khu vực, không riêng gì Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng nhân lực bán dẫn là một trong những thách thức lớn với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng chip. Bộ trưởng Bộ TT& TT Nguyễn Mạnh Hùng dẫn thống kê cho biết ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Thực tế, nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 500 kỹ sư mỗi năm, theo báo cáo của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, để xây dựng được một nền công nghiệp bán dẫn cạnh tranh, không chỉ cần có vốn đầu tư mà còn là việc tiếp cận công nghệ phù hợp, xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từng thừa nhận, vấn đề không chỉ nằm ở dung lượng thị trường, công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, logistics, mà còn là các chính sách phát triển kinh tế ngành, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này. Đơn cử như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã có 3 đề xuất với Chính phủ. Đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực; thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn, phát triển nguồn lực; và thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất wafer vào Việt Nam.
“Phải có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài cho họ. Ấn Độ đang tận dụng cơ hội và làm rất tốt việc này. Sau khi có một vài nhà máy sản xuất wafer của tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam, sẽ có cơ hội để xây dựng nhà máy wafer của chính tập đoàn Việt Nam” - ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Còn theo nhìn nhận của TS Majo George, về trung và dài hạn, Việt Nam cần tham gia vào những công đoạn R&D đòi hỏi chủ đạo là yếu tố con người. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư và đưa ra chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn thành lập hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam.
Như khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo “Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam” hồi tháng 10/2022, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam chưa có chiến lược, giải pháp, kế hoạch đầu tư bài bản tầm quốc gia để phát triển. Nhìn chung, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, đa phần các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp thành phẩm có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, như nhìn nhận của nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research, “với nỗ lực của chính quyền Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương và sự hợp tác của các hãng chip toàn cầu, ngành bán dẫn Việt Nam có tiềm năng phát triển trong dài hạn”. Đầu tư cho tương lai và đón đợi những cơ hội tỷ USD - đó thực sự là hướng đi đúng đắn và không thể khác trong kỷ nguyên số.