Công nhận 224 sáng kiến của ngành kiểm sát

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) vừa quyết định công nhận sáng kiến ngành KSND năm 2020 đối với 43 sáng kiến của 122 tác giả thuộc Viện KSNDTC, một sáng kiến của Viện KSND cấp cao; 180 sáng kiến của 227 tác giả thuộc Viện KSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) vừa quyết định công nhận sáng kiến ngành KSND năm 2020 đối với 43 sáng kiến của 122 tác giả thuộc Viện KSNDTC, một sáng kiến của Viện KSND cấp cao; 180 sáng kiến của 227 tác giả thuộc Viện KSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong số các sáng kiến nêu trên, có nhiều nội dung mang tính thực tiễn hiện nay trong công tác, như: Sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND; quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố; tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; công tác đặc xá của Viện KSND theo Luật Đặc xá năm 2018 - những vấn đề đặt ra và giải pháp, kiến nghị; tăng cường năng lực Cơ quan điều tra Viện KSND; sử dụng mạng riêng ảo bảo mật kênh truyền cho các ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành KSND…

PV

Triển khai hiệu quả thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2021, lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho biết: Trong năm 2020, các nhiệm vụ trọng tâm của Cục về cơ bản được triển khai đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả và theo đúng kế hoạch.

Trong năm 2021, Cục tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm. Thực hiện hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm; đánh giá vai trò của thiết chế đăng ký biện pháp bảo đảm trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển; giữ vững tỷ lệ 73% và phấn đấu đạt tỷ lệ 75% về đăng ký theo phương thức trực tuyến.

PV

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ bãi bỏ tờ khai nguồn gốc

Tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan vừa tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11-11-2020 của Chính phủ về việc khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu, bãi bỏ tờ khai nguồn gốc.

Dựa trên kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp và báo cáo của các cục hải quan tỉnh, thành phố, việc bãi bỏ thủ tục nêu trên giúp cơ quan hải quan tiết kiệm hàng trăm nghìn giờ công, doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí mỗi năm và giảm được nhiều nhân lực. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan phối hợp triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để chính thức dừng thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với các phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 102/2016/TT-BQP ngày 29-6-2016 của Bộ Quốc phòng; phối hợp Bộ Công an bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan hải quan và Cục Cảnh sát giao thông qua Hệ thống dịch vụ công quốc gia, phục vụ việc đăng ký phương tiện được thông suốt.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cong-nhan-224-sang-kien-cua-nganh-kiem-sat-630561/