Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan
Mới đây, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Cụ thể, tối 22/4, trong khuôn khổ Lễ hội Thập niên sự lệ 2024, đại diện bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan.
Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan còn gọi là Thập niên sự lệ diễn ra tại đền thờ Đức Thánh Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Lễ hội được tổ chức 10 năm 1 lần vào ngày Rằm tháng 3 âm lịch, bắt đầu từ năm 1604. Năm nay, Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15/3 âm lịch (tức 21 đến 23/4 dương lịch).
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, dòng họ Nguyễn Cảnh với gần 600 năm sinh cơ, lập nghiệp đã trở thành dòng họ có bề dày truyền thống, còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý báu trên mảnh đất Đô Lương, Nghệ An. Trong đó, Thập niên sự lệ là lễ hội bắt nguồn từ văn hóa dân gian, nơi có sự hòa quyện giữa tín ngưỡng thờ thần và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là dịp để nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và nhiều thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh có công lớn trong lịch sử dân tộc”.
"Với lịch sử hàng trăm năm, từ một hoạt động lễ nghi của dòng họ, Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan đã dần có sức lan tỏa, trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. "Điều đó cho thấy, truyền thống lịch sử của dòng họ đã có sự gặp gỡ, kết hợp với yếu tố văn hóa dân gian để tạo nên "sản phẩm" văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của cả cộng đồng", bà Hạnh nói.
Theo đó, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cũng đề nghị nhân dân huyện Đô Lương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc, đất nước.
Đặc biệt, địa phương, dòng họ cần có kế hoạch đào tạo một cách bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi thức tế lễ trong lễ hội, sưu tầm tài liệu cổ ghi chép về Thập niên sự lệ làm cơ sở để phục dựng lại lễ hội chính xác, khoa học, cũng như bảo tồn không gian văn hóa diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản hiệu quả, số hóa không gian các di tích diễn ra lễ hội một cách bài bản, để lễ hội ngày càng lan tỏa và có sức sống trường tồn trong cộng đồng, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.