Công nhân giỏi Thủ đô: Nỗ lực chinh phục đỉnh cao kỹ năng nghề nghiệp
Trực tiếp lao động sản xuất ở nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề khác nhau nhưng điểm nổi bật chung của các công nhân giỏi Thủ đô là lòng yêu nghề, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn không ngừng rèn luyện, vươn lên chinh phục nhũng đỉnh cao kỹ năng nghề nghiệp, làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt.
Làm chủ những thao tác mới và khó
Trong số 100 công nhân giỏi Thủ đô năm 2020 vừa được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương, khen thưởng có Phạm Thị Điệp- công nhân Công ty May Liên doanh Plummy, địa điểm đặt tại huyện Quốc Oai. Làm việc ở Phòng Mẫu, công việc của Phạm Thị Điệp là chuyên may những sản phẩm mẫu của các đơn hàng mới mà Công ty ký kết được để đánh giá độ khó của đơn hàng, tính toán tiêu hao nguyên vật liệu, từ đó tính đơn giá sản phẩm và đưa ra định mức khoán sản phẩm cho công nhân trong công ty thực hiện.
Theo Phạm Thị Điệp, mỗi sản phẩm mới lại có một yêu cầu kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi người công nhân phải luôn học hỏi, rèn luyện, kiên trì thực hành những thao tác mới, thao tác khó. Chính vì vậy, chị Điệp thường chủ tìm hiểu và làm quen với máy may, dành thêm thời gian ngoài giờ để thực hành và cải tiến các thao tác may giúp cho đôi tay thêm khéo léo, linh hoạt.
Với bất kỳ sản phẩm mẫu nào, dù khó đến đâu, chị cũng tỉ mỉ đến từng chi tiết, đảm bảo các sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn chất lượng, được lãnh đạo Công ty và khách hàng đánh giá cao. Với tay nghề điêu luyện, Phạm Thị Điệp luôn được lãnh đạo Công ty tin tưởng giao cho đảm nhiệm may những mẫu hàng khó đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.
Đặc biệt, trong 2 năm liên tiếp (2017, 2019), Phạm Thị Điệp được Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội chọn cử tham dự Hội thi Thợ giỏi nghề May do Liên đoàn Lao động phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức và đều đạt giải cao.
Không chỉ nỗ lực, phấn đấu cho riêng bản thân mình, trong quá trình làm việc tại Công ty, Phạm Thị Điệp còn tham gia hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và trực tiếp đào tạo nghề. Đến nay, đã có hàng trăm công nhân trẻ mới vào nghề được chị đào tạo, hướng dẫn trở thành những công nhân công nhân mới được tuyển dụng để giúp các công nhân sớm hoàn thiện tay nghề. Với những cố gắng, nỗ lực và thành tích như trên, nhiều năm liên tục, Phạm Thị Điệp vinh dự được khen thưởng danh hiệu Lao động xuất sắc cấp công ty, Công nhân giỏi ngành của ngành Dệt-May Hà Nội. Mới đây nhất, chị được vinh danh Công nhân giỏi Thủ đô năm 2020.
Không từ bỏ khi chưa đạt mục tiêu
Cùng góp mặt với Phạm Thị Điệp tại lễ tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô năm 2020 là Phạm Văn Minh- công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long). Là công nhân ở bộ phận Đúc, Phạm Văn Minh hiểu rất rõ rằng để tạo ra một sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, rất cần bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ.
Chính vì vậy, anh không ngừng nỗ lực rèn luyện để nâng cao tay nghề. Ngay từ khi mới vào làm việc, anh đã chủ động tham gia một khóa đào tạo bài bản từ các anh chị quản lý và các bạn đồng nghiệp có kinh nghiệm lâu năm. Sau đó, anh hăng hái tham gia các hội thi tay nghề hàng năm do Công ty TOTO tổ chức, coi đây là môi trường rèn luyện tốt nhất cho mình.
Hai năm đầu tham gia cuộc thi tay nghề Đúc tại Công ty, Phạm Văn Minh không đạt được thứ hạng cao. Thế nhưng anh không nản. Với tinh thần nỗ lực, "không từ bỏ khi chưa thực hiện được mục tiêu”; anh tiếp tục rèn luyện và tham gia kỳ thi tay nghề Đúc lần thứ 3 năm 2019 tại Công ty. Lần này, anh đã đạt giải cao và vinh dự được đại diện cho hơn 4.700 Công nhân TOTO Việt Nam sang Nhật Bản tham dự thi tay nghề toàn cầu, tranh tài với nhiều công nhân có tay nghề cao, kinh nghiệm của các nhà máy của các nước như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Inđonexia, Ấn Độ...
“Khi sang Nhật Bản thi đấu, tôi đặt mục tiêu phải đoạt giải Vàng để mang tự hào về cho Công ty TNHH TOTO Việt Nam. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, tôi phải vượt qua rất nhiều khó khăn như dây chuyền, nguyên liệu đúc khác so với công ty, thêm nữa các thí sinh khác cũng dầy dặn kinh nghiệm…
Mặc dù có chút hồi hộp, nhưng tôi luôn cảm thấy tự tin vào bản thân vì tôi đã dành nhiều thời gian luyện tập rất kĩ trước khi sang Nhật Bản và tôi đã mang theo hành trang bên mình là những lời động viên, khích lệ từ lãnh đạo công ty, Công đoàn và các anh chị quản lý, đồng nghiệp. Kết thúc cuộc thi, tôi đã xuất sắc vượt qua các thí sinh khác để đoạt giải Vàng tay nghề Đúc tại kỳ thi tay nghề toàn cầu” – Phạm Văn Minh chia sẻ.
Gương mẫu, sáng tạo
Một tấm gương Công nhân giỏi Thủ đô tiêu biểu nữa là anh Nguyễn An Ngọc, Công ty CP TOMECO An Khang. Với trách nhiệm là một Tổ trưởng tổ sản xuất của công ty và là người trực tiếp tham gia sản xuất các sản phẩm, Nguyễn An Ngọc luôn xác định phải gương mẫu rèn luyện nâng cao tay nghề; thực hiện tốt nội quy, quy định của công ty.
Vừa tích cực vận động đoàn viên công đoàn, người lao động trong Tổ hưởng ứng các phong trào thi đua do Công đoàn công ty phát động, Nguyễn An Ngọc vừa gương mẫu đi đầu, hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.
Anh nỗ lực tìm tòi các giải pháp để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của Phân xưởng và công việc của cá nhân. Có thể kể đến một sáng kiến tiêu biểu của anh là sáng tạo ra bộ đồ gá từ đó giảm nhẹ sức lao động, nâng cao năng suất nghề hàn lên gấp 1,5 lần so với trước đây. Đặc biệt, năm 2019, Nguyễn An Ngọc đã vinh dự đại diện cho công nhân huyện Quốc Oai tham dự Hội thi thợ giỏi Thành phố Hà Nội và đạt Giải Nhất nghề Hàn TIG, được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
“Sự nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất đã giúp tôi trở thành Công nhân giỏi Thủ đô được tuyên dương ngày hôm nay. Với những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua đã giúp tôi tự tin hơn với tay nghề của mình. Tuy vậy, tôi luôn suy nghĩ mình cần phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để nâng cao tay nghề đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế”- anh Nguyễn An Ngọc khẳng định.