Công nhân khốn khổ vì vay nóng, cầm cố
Vướng vào tín dụng đen với lãi suất cắt cổ, nhiều công nhân phải cầm cố tài sản để trả nợ
Nhiều ngày nay, khu nhà trọ nhỏ trên đường A1, phường Bình Đường, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương kháo nhau về chuyện một nam công nhân (CN) tại đây bị nhiều đối tượng chặn đường hành hung vì vay tiền nhưng chưa trả.
Sập bẫy
Người bị hành hung là anh V.V.C (quê Quảng Trị), hiện đang làm việc tại KCN Bình Đường. Vào cuối năm 2019, anh C. có vay của một người tên K. số tiền 3,5 triệu đồng, hứa ra Tết trả 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do chi tiêu quá tay nên anh C. không thể trả vốn lẫn lãi. Sau nhiều lần nhắn tin hăm dọa không ăn thua, bên cho vay đã cho người hành hung anh C.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài anh C., còn có nhiều CN thuê trọ ở khu vực này đã phải cầm cố điện thoại, xe máy để trả nợ cho K.. Trước Tết, do cần tiền để trang trải chi phí sinh hoạt nên anh H. - một CN tại KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức, TP HCM - cũng hỏi mượn 2 triệu đồng của một người chuyên cho vay nóng tại khu vực này và hứa hết năm sẽ trả. Ăn Tết xong, do không thể xoay kịp tiền trả nợ và bị đối tượng cho vay liên tục hăm dọa, anh H. phải cầm cố chiếc xe máy. Tại quận Bình Tân, TP HCM, nơi tập trung nhiều xóm trọ với hàng chục ngàn CN sinh sống, tình trạng cho vay nóng với lãi suất cắt cổ sau Tết diễn ra khá rầm rộ. Lợi dụng CN gặp khó khăn sau Tết, các đối tượng cho vay tung nhiều chiêu "khuyến mãi" để dụ họ, chẳng hạn như: không tính lãi 2 ngày đầu, vay trả trong ngày (vay 1 triệu đồng, trả 1,1 triệu đồng). Đặc biệt, nếu CN có tài sản thế chấp sẽ được ưu tiên.
Tiệm cầm đồ "bủa vây"
Trong vai CN đang vay nợ, chúng tôi tìm đến tiệm cầm đồ T.H 5 trên địa bàn phường An Bình, TP Dĩ An. Chủ tiệm cầm đồ này cho biết nếu cầm tài sản có giá trị với số tiền 7 triệu đồng thì 1 tuần phải trả 500.000 đồng, nửa tháng 1,2 triệu đồng, 1 tháng đóng 2 triệu đồng, quá 1 tuần 1 ngày tính nửa tháng, quá nửa tháng 1 ngày tính 1 tháng, còn nếu lấy trong ngày thì "phí" 100.000 đồng. "Đầu năm lãi vậy là thấp rồi đó em, chứ thường lãi còn cao hơn" - ông này cho biết. Tìm đến một tiệm cầm đồ khác cách đó không xa, chúng tôi được chủ tiệm cho biết nếu cầm cố tài sản với giá trị 5 triệu đồng thì phải trả 350.000 đồng/tuần, còn trong ngày thì tính 70.000 đồng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực lân cận KCN Sóng Thần (TP Dĩ An) có gần 20 tiệm cầm đồ. Trong đó, riêng tiệm cầm đồ T.H có đến 5 chi nhánh khác nhau. Người dân ở đây cho biết các tiệm cầm đồ mọc lên rất nhiều trong thời gian gần đây song cứ ít tháng lại thay đổi địa điểm và biển hiệu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để "hút máu" con nợ, các đối tượng cho vay nặng lãi đã lập ra nhiều điểm cầm đồ để cầm cố tài sản của người vay. Tại phường Tân Tạo A và Tân Tạo B (quận Bình Tân, TP HCM) cũng mọc lên rất nhiều tiệm cầm đồ. "Các tiệm này chủ yếu do các đối tượng cho vay nóng lập ra để cầm cố tài sản người vay nhằm thu hồi nợ nhanh hơn" - một CN cho biết.
Giúp công nhân tiếp cận vốn
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Tổ chức Tài chính vi mô CEP hiện có 2 chi nhánh đang hoạt động là chi nhánh Thủ Dầu Một và chi nhánh Thuận An. Hiện 2 chi nhánh trên đang phục vụ 19.300 hộ công nhân, người lao động với tổng dư nợ cho vay 270 tỉ đồng. "Do hoạt động CEP gắn kết với chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn nơi CN làm việc nên CN có thể dễ dàng tiếp cận vốn với thủ tục rất đơn giản. "Khi tiếp cận các khoản vay CEP, lãi vay là khoản duy nhất mà CN phải trả, CEP không cho phép bất kỳ nhân viên, cộng tác viên nào thu thêm phí từ CN. Việc trả nợ khoản vay được chia nhỏ theo hằng tuần, hằng tháng phù hợp với khả năng tạo thu nhập của CN. Khi CN gặp khó khăn, CEP sẽ tạo điều kiện cho họ tiếp tục chia nhỏ việc trả nợ phù hợp với khả năng" - ông Hồ Văn Kiệp, Giám đốc Chi nhánh CEP TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-khon-kho-vi-vay-nong-cam-co-20200211212330424.htm