Công nhân - lao động gửi tâm tư đến Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân - lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố vào sáng 12-6, chủ đề Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước
Chiều 9-6, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về chương trình Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và trực tuyến với công nhân - lao động (CN-LĐ).
Khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước...
Theo ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trước nguyện vọng của đông đảo CN-LĐ cả nước mong muốn được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu Chính phủ về việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc, cơ hội cống hiến, trách nhiệm tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của CN, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đồng ý tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại vào sáng 12-6 tại Bắc Giang với chủ đề "CN Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước".
Chương trình gặp gỡ, đối thoại sẽ có 4.500 CN-LĐ dự tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố và tại Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cùng dự chương trình đối thoại có bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo một số ban xây dựng Đảng Trung ương, một số ủy ban của Quốc hội, một số bộ - ngành, Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề, lãnh đạo tỉnh - thành…
Trước đó, đầu giờ sáng 12-6, Thủ tướng Chính phủ sẽ đi thăm, động viên, tặng quà CN tại khu nhà trọ và nhà ở xã hội tại tỉnh Bắc Giang.
Theo ông Nguyễn Mạnh Kiên, chương trình là diễn đàn để đoàn viên, CN-LĐ được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động (NLĐ) cả nước.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CN-LĐ là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng CN năm 2022. Thông qua chương trình, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với CN-LĐ; tiếp tục triển khai chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, NLĐ; khẳng định quyết tâm, khát vọng của CN-LĐ tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
"Đến nay đã có gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, tâm tư, tình cảm của CN-LĐ gửi cho người đứng đầu Chính phủ. Nội dung tập trung vào 10 nhóm vấn đề và sẽ được báo cáo Thủ tướng tại buổi đối thoại" - ông Nguyễn Mạnh Kiên cho hay.
Hấp dẫn "Giờ thứ 9+"
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình giải trí dành cho CN-LĐ mang tên "Giờ thứ 9+", được phát sóng hằng tuần từ 15 giờ đến 15 giờ 45 phút ngày chủ nhật, trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Đối tượng tham gia "Giờ thứ 9+" năm 2022 là đoàn viên Công đoàn, CN đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong phạm vi cả nước.
Chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh CN Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nhiều ước mơ, khát vọng, làm việc giỏi, có lối sống đẹp. Thông qua chương trình, CN-LĐ nói lên tâm tư, nguyện vọng về việc làm, đời sống; thể hiện tài năng cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm công dân với xã hội.
Khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với CN-LĐ, giúp CN nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc vất vả, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước, yêu lao động của CN, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước. "Giờ thứ 9+" được kết cấu dưới dạng game show hấp dẫn qua 3 vòng thi: thử thách về tay nghề, năng khiếu cá nhân và trình độ hiểu biết pháp luật của NLĐ gồm: "Vào ca", "Giải lao", "Tan ca".
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, "Giờ thứ 9+" năm 2022 là sản phẩm văn hóa tinh thần thiết thực dành cho CN-LĐ được khởi động trong Tháng CN. Sau khi phát sóng thử nghiệm 2 số, chương trình sẽ được chính thức ra mắt tại buổi Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CN-LĐ tại Bắc Giang. Những chương trình tiếp theo sẽ được phát sóng định kỳ theo kế hoạch.
"Với tính chất của cuộc thi cạnh tranh cao về nhiều lĩnh vực, chương trình sẽ thu hút sự theo dõi, cổ vũ của đông đảo khán giả xem truyền hình, giúp xã hội thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả và sự cống hiến thầm lặng của CN-LĐ cho sự nghiệp phát triển kinh tế nước nhà" - ông Ngọ Duy Hiểu thông tin.
10 nhóm kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ
Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết có 10 nhóm vấn đề chính được CN-LĐ quan tâm nhất sẽ được chuyển tới người đứng đầu Chính phủ gồm: tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách BHXH để NLĐ không rút BHXH một lần; giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ cho NLĐ; vấn đề nhà ở, trường học, thiết chế Công đoàn; chính sách hỗ trợ tín dụng cho CN-LĐ để hạn chế "tín dụng đen"; chính sách đào tạo nghề cho CN-LĐ; xử lý những DN vi phạm pháp luật về các chế độ đối với NLĐ; nơi khám chữa bệnh; an toàn thực phẩm; chợ cung cấp nhu cầu thiết yếu cho CN-LĐ.