Công nhân thiệt thòi khi thay đổi danh mục nghề nặng nhọc, độc hại

Tại các hội nghị đối thoại về chính sách tiền lương, pháp luật lao động và công tác an toàn lao động do Sở Lao động, thương binh và xã hội tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) có ý kiến về khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện chính sách đối với người lao động (NLĐ) làm công việc nặng nhọc, độc hại.

Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại.

Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại.

Theo các DN, trong Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng nhiều chế độ hơn so với làm việc trong điều kiện bình thường, trong đó có chính sách được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định. Tuy nhiên, do quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có sự thay đổi đã tạo khó khăn cho DN và thiệt thòi với NLĐ.

Đại diện Phòng Nhân sự một DN may mặc tại Khu công nghiệp Amata cho hay, theo quy định trước đây, NLĐ ở các vị trí như: công nhân sửa chữa máy may, vận hành nồi hơi, ủi, chuyền trưởng… được xem là công việc nặng nhọc, độc hại. Nay, dù tính chất công việc, điều kiện làm việc vẫn như vậy nhưng NLĐ không được hưởng chế độ ưu đãi khi làm công việc nặng nhọc, độc hại là rất thiệt thòi.

Vị này dẫn chứng, khi công ty làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho một công nhân vệ sinh công nghiệp thì được cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối vì chức danh công việc của NLĐ không thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại theo quy định. Để được hưởng chế độ, công ty phải điều chỉnh tên chức danh công việc là công nhân vệ sinh công nghiệp trong nhà máy may.

“Chỉ vì thiếu 4 chữ “trong nhà máy may” mà NLĐ không được giải quyết là không hợp lý” - đại diện DN nói.

Trước thiệt thòi của NLĐ, nhiều cán bộ Công đoàn bày tỏ sự trăn trở. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina, bày tỏ việc thay đổi cách đánh giá, tiếp cận đối với công việc nặng nhọc, độc hại khiến cho DN rất khó để giải thích cho NLĐ hiểu. Nhiều lao động làm các công đoạn trước đây là công việc nặng nhọc nhưng nay lại không còn nặng nhọc cảm thấy thiệt thòi. Do đó, cần có giải pháp để bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Một số cán bộ Công đoàn tại DN cho rằng, theo quy định Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của NLĐ tăng dần (60 tuổi đối với nữ và 62 đối với nam). Tuy nhiên, với tuổi này, rất ít NLĐ trực tiếp sản xuất còn được làm việc và có đủ sức khỏe để làm việc tại các DN. Do vậy, cần rà soát để bổ sung các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tạo điều kiện cho NLĐ được nghỉ hưu sớm hơn vì việc tăng tuổi về hưu khiến NLĐ không đảm bảo sức khỏe làm việc.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202409/cong-nhan-thiet-thoi-khi-thay-doi-danh-muc-nghe-nang-nhoc-doc-hai-08368fd/