Công nhân thời 'bão giá'
Sau 'bão' COVID-19, giờ đây công nhân, người lao động tự do lại tiếp tục lãnh đủ khó khăn vì 'bão giá'. Xăng tăng, gas tăng kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu đội giá, trong khi đồng lương cơ bản suốt 2 năm ròng rã vẫn chưa có dấu hiệu nhúc nhích khiến cho nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thêm trĩu nặng...
Chợ công nhân thời “bão giá”
5h chiều, khi ánh nắng cuối ngày dần tắt, con đường nhỏ dưới dốc cầu Linh Xuân dẫn đến khu trọ công nhân ở TP. Thủ Đức, bắt đầu nhộn nhịp những xóm chợ nhỏ. Chúng tôi theo gánh rau của chị Hoàng Thị Nhung xuống chợ công nhân với tâm trạng thấp thỏm, âu lo, không biết qua phiên chợ chiều có bán hết được chừng 30kg rau củ.
“Chợ công nhân” là tên gọi dân dã bà con đặt cho những chiếc xe đẩy hàng cuối ngày trên đường số 4 ngay sát khu chế xuất Linh Trung 1, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Khu chợ không chỉ đặc biệt như cái tên của nó mà còn đặc biệt bởi giá cả cũng rất công nhân, mỗi bó rau, lạng thịt ở đây rẻ hơn nhiều lần so với chợ bình thường. Có người nói, sở dĩ giá rẻ hơn một phần do mức sống công nhân thấp, một phần vì thực phẩm chủ yếu được cho là “hàng loại” từ các khu chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức xuống. Nhưng, họ thì đâu nghĩ nhiều đến vậy, với họ bữa cơm có chút thịt, cá, có nồi rau xanh là đủ sức cho những giờ tăng ca.
Một ngày đi chợ cùng các công nhân mới cảm hết được cơn “bão giá” đã và đang ngấm sâu, làm đảo lộn đời sống của họ thế nào. Chị Nhung trước khi tìm đến công việc buôn thúng bán bưng đã từng có trên 10 năm làm công nhân qua nhiều công ty. Khi đại dịch quét qua, công ty đóng cửa, chị trở về quê lánh dịch rồi quay lại thành phố quyết định đổi nghề.“Bán rau cực hơn làm công nhân vì phải dậy sớm đi lấy hàng, phải đội nắng, dầm mưa ngồi lề đường, vỉa hè, gầm cầu nhưng bù lại thoải mái và không bị gò bó. Bán được nhiều ăn nhiều, ít ăn ít, ngày nào ế đành chịu”, chị chia sẻ.
Trong xóm chợ, đa phần chị em đều từng làm công nhân nên họ bán hàng cho công nhân bằng một tâm thế đồng cảm, sẻ chia, yêu thương và thấu hiểu. Sau một ngày làm việc vất vả trong các công xưởng, xí nghiệp, những công nhân lại đổ vào các khu chợ dã chiến ven đường để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối. Với đồng lương eo hẹp, làm chỉ đủ ăn sao dám lo để dành, họ phải cân đong đo đếm từng món. Các quầy hàng trong chợ vẫn bán rất đầy đủ, phong phú các loại thực phẩm nhưng đảo một vòng thì thấy hầu hết giỏ đồ của ai cũng mặc định những thực đơn quen thuộc gồm trứng, đậu phụ, vài con cá kho mặn cùng rau dưa giá rẻ các loại. Trời bắt đầu rớt những giọt mưa nhưng khu chợ vẫn đông đúc ồn ào với tiếng í ới của công nhân trả giá từng vài trăm đồng để mua được những thực phẩm vừa rẻ, vừa hợp với túi tiền.
Chị Thanh, công nhân Công ty Sprinta dừng trước hàng bán trứng, ngó lên nhìn xuống một hồi mới quyết định chọn vài quả trứng cho bữa tối. Chị Thanh bộc bạch: “Dịch dã kéo dài suốt 2 năm, giờ thêm xăng liên tục tăng giá, tất cả các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm cũng nương theo đó tăng vèo, trước cầm 100.000 đồng đi chợ vẫn đủ, giờ vẫn ngần ấy thực phẩm thường mua nhưng nhiêu đó tiền không còn có thể mua được, mình phải co kéo sao cho không vượt quá 100.000 đồng cho một ngày, nên đành ăn ít lại một chút thôi chứ biết sao”.
“Thắt lưng buộc bụng”
Chập choạng tối, chúng tôi ghé ngang các khu trọ gần xí nghiệp, khu chế xuất, chứng kiến bữa ăn gia đình của hầu hết công nhân trong thời “bão giá” mà không khỏi chạnh lòng. Mâm cơm của họ là các món rau, đậu hũ, cá khô, trứng chiên. Thịt, cá dần trở thành đặc sản dành cho những ngày cuối tuần, mới thấy bữa cơm của họ còn nhiều lắm những nỗi lo, những nhọc nhằn và cả những chật vật, khốn khó.
Trong căn phòng trọ chật hẹp, nóng bức ở đường số 6, khu phố 3, Linh Xuân, TP. Thủ Đức, chị Lê Võ Hoài Hương đang cùng cậu con trai hối hả chuẩn bị bữa tối. Gặp chúng tôi, chị cười gần gũi chia sẻ: “Quê mình ở Quảng Bình vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân Công ty Freetrend trong khu chế xuất Linh Trung 1, hồi mới vô lương cơ bản được 3,5 triệu, giờ ngót ngét 10 năm, lương tăng lên 6,8 triệu, làm không đủ trang trải, cực chẳng đã mình đành phải gửi con gái lớn về quê cho bà nội chăm sóc. Trước gói ghém lắm cũng tạm ổn, lâu lâu còn gửi được 1 triệu về phụ bà nội lo cho con gái nhưng đợt này xăng tăng, giá thực phẩm cũng tăng nên mình không để dư được đồng nào, thậm chí có tháng còn âm cả tiền lương”.
Nói xong, chị lại nhìn đứa con trai nhỏ đang ăn cơm ngon lành, giọng buồn buồn: “Sắp tới nghe nói chủ trọ còn chuẩn bị tăng giá thuê tiền nhà, trong khi 2 năm qua, lương không thấy tăng, mình cũng lo. Mình dự định cuối năm về thăm con gái nhưng với tình hình này, không biết mình có về quê được hay không?”.
Đọc tin giá xăng tiếp tục tăng cao, anh Nguyễn Thanh Tùng (quê An Giang) lại thêm sốt ruột, có thu nhập cũng được coi là tạm ổn định sau nhiều năm đi làm, anh vẫn thấy mình là “nạn nhân” của “bão giá” khi mọi chi phí liên tục tăng chóng mặt. Anh Tùng cho biết: “Mình lái xe tải cho Công ty Dầu khí TP. Hồ Chí Minh, trước đổ khoảng 300 lít dầu chạy được gần 3 ngày, giá từ 3-5 triệu đồng, giờ cũng ngần ấy lít nhưng giá phải trả gần 7 triệu đồng. Xăng dầu tăng, công ty cũng cắt giảm nhiều khoản phụ cấp khác, giờ thì bữa ăn mỗi ngày gia đình mình đều phải cân đong đo đếm suy nghĩ cân đối túi tiền, họa may ra mới dư được vài đồng phòng khi ốm đau”.
Cơn “bão giá” đã được các chuyên gia đoán định ở tầm vĩ mô nhưng với những phận đời công nhân đơn thuần chỉ là, lúc trước đổ 50.000 đồng xăng đã có thể bon bon chạy cả tuần, giờ phải đổ lên 70.000 đồng mới ăn thua. Hay cũng con cá, mớ rau, lạng thị đó trước mua 1 đồng giờ phải mua tới 2 đồng, thành ra họ phải cấp tốc lật giở bài toán chi tiêu thêm những phép trừ...
Xăng tăng, gas tăng, sữa tăng, thực phẩm tăng và rồi sẽ còn những gì tăng giá nữa... khiến người lao động phải thêm một lần tính toán để đồng lương ít ỏi có thể gánh được giá cả. Trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp ngay dưới chân cầu vượt Sóng Thần, chị Nguyễn Thị Oanh (quê Kim Lộc, Hà Tĩnh) công nhân Công ty Đông Hưng buồn rầu chia sẻ: “Bản thân mình làm công nhân hơn 10 năm nay, chồng làm nghề tài xế xe tải đường xa lương cũng ba cọc ba đồng, cả hai gói ghém mỗi tháng may ra được gần 13 triệu, vừa lo trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, vừa lo 2 con nhỏ đang tuổi ăn học. Thời gian trước dịch, làm ráng cũng có khi gửi về cho ông bà ở quê được vài đồng lúc ốm lúc đau. Sau dịch, thêm giá cả, xăng tăng liên tục tôi cố gắng chắt bóp, dè xẻn, cắt giảm chi tiêu lắm may ra đủ trang trải chứ chả mong gì để dành phòng khi ốm đau”.
Nhìn hai đứa con nhỏ quanh quẩn chơi trong gian phòng nhỏ, nóng bức, chị Oanh không khỏi thở dài: “Thương tụi nhỏ lắm, trước còn ráng 2 tuần cả nhà đi dạo hóng mát, từ tết đến giờ xăng tăng, chỉ còn cách ở nhà tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng đó, thành ra cứ quanh quẩn trong xóm trọ vậy”.
Chỉ với những phép tính đơn giản, chị Oanh cho biết, với mức lương hơn 10 triệu đồng của hai vợ chồng nhưng gồng gánh đến 4 người khiến mình làm gì cũng phải tính toán, đong đếm. Vật giá tăng nên gia đình cũng “trường kỳ” với rau luộc, cá khô.
Bài toán nhiều phép trừ
Gia đình chị Oanh cũng như bao gia đình khác có lẽ cũng đang đau đầu với bài toán làm sao để sống với đồng lương ít ỏi, mãi chẳng thể đuổi kịp làn sóng “bão giá” ập đến hết đợt sóng này đến đợt sóng khác.Bài toán đó có khi sẽ lại tiếp tục dùng đến nhiều phép trừ. Trừ đi những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống để bù vào các khoản phải trả thêm cho giá xăng, giá gas, giá điện, giá sữa, giá thực phẩm, giá tiền thuê nhà trọ và trừ cả những lần hiếm hoi được về quê thăm nhà, được quây quần bên mâm cơm gia đình...
Vật giá những mặt hàng thiết yếu với công nhân, người lao động tự do là những điều tác động trực tiếp trong cuộc sống của họ. “Bão giá” là nỗi lo nặng trĩu và thường trực của đại đa số người dân, từ lao động phổ thông đến người công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ những khu “chợ công nhân”, bữa cơm còn canh cánh nỗi lo, cho đến bài toán chi tiêu lại thêm nhiều phép trừ, cho thấy đời sống của họ còn quá nhiều những khó khăn và mãi ngụp lặn giữa cơn “bão giá” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có xuống tận nơi, trò chuyện cùng những phận đời công nhân mới thấy quá nhiều trăn trở và ước mong mãnh liệt trong hầu hết tâm tư, nguyện vọng của họ chỉ đơn giản là “tháng 7 này sẽ được tăng lương thêm 100-200 nghìn đồng” sau 2 năm ròng rã không được tăng lương. Gần 200.000 nghìn đồng tăng lương ấy, có thể không quá lớn đối với nhiều người nhưng đối với những người công nhân, đó là cả một dự định và tính toán cho cuộc sống tốt hơn. Và, bài toán chi tiêu của họ bớt đi những phép tính trừ, trong vòng xoáy “bão giá” đang khiến họ ngụp lặn giữa chốn thị thành.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/cong-nhan-thoi-bao-gia-i656577/