Công nhân tử vong trong hầm lò: Trách nhiệm Công ty Than Uông Bí?
Tai nạn lao động khiến một công nhân khai thác than thuộc Công ty Than Uông Bí - KTV tại tỉnh Quảng Ninh tử vong. Vậy, trách nhiệm của công ty này sẽ thế nào?
Ngày 18/4, Công ty Than Uông Bí tại Quảng Ninh thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết đã xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến một nam công nhân khai thác than tử vong. Đây cũng là vụ tai nạn thứ hai của đơn vị từ đầu năm đến nay.
Nạn nhân tử vong là anh T.V.S. (SN 1983, quê quán huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là thợ lò bậc 5/5.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xem xét có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động hay không để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
"Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đây là vụ việc tai nạn lao động không may xảy ra, ngoài ý muốn của các bên liên quan mà không có lỗi của người sử dụng lao động thì chỉ phát sinh trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục để người thân của người lao động được hưởng quyền lợi về tai nạn lao động theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động thì người quản lý lao động sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý, trong đó có thể xử lý hình sự.
Trường hợp không có lỗi của đơn vị quản lý lao động thì vụ việc này được xác định là tai nạn lao động và người thân của người lao động đã tử vong sẽ được hưởng các quyền lợi chế độ về tai nạn lao động theo quy định của pháp luật hiện hành", luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mối quan hệ lao động này được xác lập như thế nào, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội hay không. Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động giữa các bên được ký kết và thực hiện như thế nào. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động.
Trường hợp người lao động có ký hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng đầy đủ nhất quyền lợi khi tai nạn lao động xảy ra. Theo quy định tại điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) 2015, khi NLĐ bị tai nạn lao động (TNLĐ), người sử dụng lao động có trách nhiệm: Sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho NLĐ. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định: Phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người tham gia BHYT; Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu có kết luận suy giảm dưới 5%; Toàn bộ chi phí y tế đối với người không tham gia BHYT. Trả đủ lương cho thời gian NLĐ phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động.
"Bồi thường cho NLĐ bị tai nạn không do lỗi của họ gây ra: Ít nhất bằng 1,5 tháng lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%; Ít nhất 30 tháng lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ.
Trợ cấp khi chết, loại trợ cấp này dành cho thân nhân NLĐ bị TNLĐ chết. Cụ thể tại điều 53 Luật AT-VSLĐ hiện hành, mức trợ cấp bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết. Khi người lao động bị tai nạn và tử vong trong quá trình làm việc theo quy định Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP sẽ được người sử dụng lao động bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015" - luật sư Cường chia sẻ.
Xem thêm video: 2 công nhân tử vong khi tháo dỡ tu viện cổ ở Đà Lạt