Công nhân về quê làm việc
Đón đầu xu hướng, nhiều doanh nghiệp tại TP HCM đã mở nhà máy ở các tỉnh và khuyến khích công nhân về quê làm việc
Khi Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) mở thêm nhà máy tại KCN Singapore (tỉnh Quảng Ngãi), chị Cao Thị Thu là công nhân (CN) đầu tiên xin về làm việc. Không chỉ giữ nguyên lương, phúc lợi như cũ, chị Thu còn được đề bạt làm tổ trưởng tại nhà máy mới. Hiện rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đã mở thêm chi nhánh ở các tỉnh và khuyến khích CN về quê làm việc.
Tiết kiệm chi phí
Vào TP HCM làm việc hơn 10 năm, vợ chồng chị Thu vẫn ở nhà thuê và không dư dả vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nuôi con nhỏ… Vì thế, khi công ty khuyến khích CN về nhà máy mới mở ở quê thì vợ chồng chị xung phong về làm việc.
"So với TP HCM, mức lương ở tỉnh có thể không bằng nhưng bù lại chúng tôi không tốn tiền thuê nhà trọ, con nhỏ có ông bà trông giúp nên chắc chắn sẽ dư. Chưa kể, về nhà máy mới, tôi còn được nhận trợ cấp chức vụ" - chị Thu nói.
Ngoài chị Thu, từ đầu năm 2023, 11 CN khác của công ty cũng đã ở lại quê làm việc. Bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nikkiso, cho biết nhà máy mới ở Quảng Ngãi sẽ hoạt động vào tháng 6-2023. Hiện công ty chuẩn bị lực lượng lao động và ưu đãi khi CN về làm việc tại đây. Với chính sách này, nhà máy mới có đội ngũ lao động kinh nghiệm, người lao động (NLĐ) được làm việc gần người thân và có cơ hội thăng tiến.
Tương tự, Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Viet Nam (KCX Tân Thuận), sau 1 năm đưa nhà máy đầu tiên vào vận hành hiệu quả tại KCN Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) với 2.000 CN, trong tháng 4 này, DN tiếp tục đưa nhà máy thứ 2 vào hoạt động. Đến nay, DN đã tuyển dụng và đào tạo được gần 2.000 CN, trong đó có nhiều người từ TP HCM trở về, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nhà máy thứ 2.
Lãnh đạo nhiều DN tại TP HCM cho biết thời gian qua, hầu hết trường hợp CN nhập cư hồi hương là những gia đình có con nhỏ. Chi phí nuôi con, sinh hoạt tại các đô thị lớn quá cao, nên khi có cơ hội tìm được việc làm ở quê nhà, CN không quay trở lại. Nhiều DN cũng "theo" CN về quê mở rộng nhà xưởng.
Đơn cử như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM) đã có 2 nhà máy ở các tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Long. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty Thành Công, dẫn chứng ở Vĩnh Long, thu nhập của CN thấp hơn 20% so với ở TP HCM nhưng họ có dư bởi tiền phòng trọ mỗi tháng chỉ 400.000 - 500.000 đồng, trong khi ở thành phố gấp 3-4 lần. Nếu đã có nhà riêng, nhiều người còn tăng thêm thu nhập từ ruộng vườn.
"Việc chuyển nhà máy về các tỉnh để chi phí rẻ hơn là một xu hướng. Thêm nữa, đầu tư hạ tầng của Chính phủ ngày càng tốt hơn, từ đó chi phí giảm và thời gian vận chuyển cũng nhanh" - ông Tuấn nói.
Chế độ phúc lợi giống nhau
Có khuôn viên nhà máy rộng rãi tại huyện Củ Chi, TP HCM nhưng Công ty TNHH May Oasis đã quyết định mở thêm chi nhánh tại tỉnh Bình Định vào năm 2017. Hiện chi nhánh hoạt động ổn định với hơn 500 CN.
Bà Lưu Thuấn Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Oasis, cho hay NLĐ miền Trung có ưu điểm là rất cần cù, chịu khó và chăm chỉ, đây là yếu tố mà DN cần. Khi sử dụng lao động tại chỗ sẽ hạn chế tình trạng NLĐ nhảy việc và dễ dàng tìm nguồn lao động bổ sung. So với những lao động làm việc tại trụ sở chính ở huyện Củ Chi, CN tại Bình Định có mức lương cơ bản thấp hơn (do căn cứ mức lương tối thiểu vùng) nhưng các chế độ thưởng, phụ cấp đi lại, chuyên cần, ăn trưa, nuôi con nhỏ… đều giống nhau. "Hiện thu nhập của CN ở Bình Định thấp nhất là hơn 8 triệu đồng/tháng, còn CN lành nghề hơn 20 triệu đồng/tháng. Với thu nhập như vậy, ở quê NLĐ có thể sống thoải mái" - bà Hạnh nhận xét.
Ông Trần Sỹ Khương - phụ trách nhân sự một công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng ở quận Bình Tân, TP HCM - cho biết ngoài trụ sở chính tại TP HCM, DN còn mở thêm 2 nhà máy tại tỉnh Long An. Việc này nhằm giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công. Hiện hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Long An được DN ưu tiên phát triển.
Theo ông Khương, nhà máy ở tỉnh dễ dàng thu hút lao động phổ thông nhưng khó tuyển lao động có trình độ chuyên môn cao vì họ thường muốn tìm cơ hội việc làm tại các thành phố lớn để có cơ hội học hỏi, phát triển nghề nghiệp. Hơn nữa, một số vị trí đặc thù như kinh doanh, xuất nhập khẩu… thì địa điểm giao dịch chủ yếu ở TP HCM. Do đó, để thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, hiện công ty bố trí bộ phận thiết kế khuôn mẫu, văn phòng, nhân sự, kinh doanh - xuất nhập khẩu, kế toán… làm việc tại TP HCM, còn ở tỉnh chủ yếu là lao động sản xuất trực tiếp.
Điểm sáng của thị trường lao động
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhận định ở TP HCM chi phí mặt bằng, nhân công cao, do đó thời gian tới sẽ có nhiều DN chuyển về các địa phương với chi phí rẻ hơn. Mặt khác, sau dịch COVID-19, nước ta đang có chuyển dịch cơ cấu đầu tư một số ngành. Tuy tổng số lao động không giảm nhưng sẽ có sự chuyển dịch lao động từ nơi này sang nơi khác hoặc ngành này sang ngành khác do điều kiện làm việc hấp dẫn hơn. "Đây là điểm sáng của thị trường lao động phát triển bền vững. Về lâu dài, quá trình chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, chứng tỏ chính sách của Đảng và Nhà nước tác động tích cực đến NLĐ" - ông Bình đánh giá.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-ve-que-lam-viec-20230414205633476.htm