Công nhân viên chức Venezuela sống sót nhờ 'lương chết đói' hơn 2 USD/tháng
Nhiều người làm việc tại các khu vực công ở Venezuela đang phải nhận mức 'lương chết đói' chỉ 2,2 USD/tháng vì khủng hoảng kinh tế tại quốc gia này ngày càng trầm trọng.
Một nhân viên y tế đẩy cáng qua hành lang của Bệnh viện Đại học Lâm sàng ở Caracas. (Nguồn: Pedro Mattey/AFP Photo).
Làm 2-3 công việc một lúc vẫn không đủ sống
Johany Perez, một nhân viên khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở thủ đô Caracas, kiếm được "mức lương chết đói" tối thiểu 2,2 USD/tháng vì Venezuela đang bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Tuy nhiên, giống như nhiều nhân viên tại Bệnh viện Đại học Lâm sàng, một trong những trung tâm đào tạo bác sĩ quan trọng nhất ở quốc gia Nam Mỹ này, anh ấy sẽ không bỏ việc.
"Tôi yêu bệnh viện của mình", người đàn ông 30 tuổi, đã có 14 năm làm việc ở đó cho biết.
Nhưng anh lại than thở về "mức lương chết đói mà họ gọi là tối thiểu và đã trở nên tối thiểu hơn bao giờ hết vì không thể mua đồ ăn với mức lương này". "Chúng tôi đang làm việc miễn phí cho nhà nước," anh cay đắng nói thêm.
Nhiều người làm việc trong khu vực công đã phải làm thêm công việc thứ hai hoặc thậm chí thứ ba để kiếm sống.
Đáng nói, mức lương hàng tháng cao nhất đối với một người làm việc trong cơ quan hành chính công tại Venezuela chỉ dưới 10 USD, mặc dù Tổng thống Nicolas Maduro đã yêu cầu tăng 300%.
Lương cả tháng đủ chỉ đủ để đi lại trong 6 ngày
Ở Venezuela, mức lương tối thiểu thậm chí không đủ để mua 1 kg thịt. Trong khi đó, mức lương trung bình của khu vực tư nhân là khoảng 50 USD. Siêu lạm phát và tiền tệ mất giá đã khiến nhiều khoản lương nhà nước ở Venezuela gần như không có giá trị.
Perez chia sẻ rằng anh được trả lương bằng đồng Bolivar đã mất giá trầm trọng khi đồng USD đã trở thành đồng tiền hợp pháp phổ biến nhất.
"Nó không đủ để mua bất cứ thứ gì", bà Matilde Lozada, 54 tuổi, đã có thâm niên 25 năm trong nghề y tá nói với hãng tin AFP.
"Mức lương này thậm chí còn không đủ để chi trả chi phí đi lại đến chỗ làm”, bà Lozada ngán ngẩm nói.
Theo đó, lương cả tháng của bà tương đương với những gì bà phải chi cho các phương tiện giao thông công cộng chỉ trong 6 ngày.
Tuy nhiên, bà sẽ không ngừng đi làm. Và không chỉ mình bà quyết định như vậy. Bác sĩ, nhân viên vệ sinh, nhân viên nhà bếp, tất cả họ vẫn tất bật làm việc bất chấp mức lương “chết đói”.
"Đó là lời kêu gọi của chúng tôi", một y tá ở đây nói. Ngoài ra, y tá này còn tìm kiếm các công việc dịch vụ khám gia đình với chi phí 15 - 20 USD cho mỗi lần khám.
5 USD tự thưởng… toát mồ hôi
Bệnh viện nằm trong khu phức hợp của Đại học Trung tâm Venezuela - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận là một viên ngọc kiến trúc. Nhưng giờ đây, các hành lang của nó là minh chứng cho việc nhiều năm bị bỏ quên với những bức tường bẩn thỉu, sàn nhà hỏng hóc, thang máy hỗn loạn.
Các bác sĩ và y tá cho biết họ đã phải tự mang Clo từ nhà đến để làm sạch máy móc. Họ không có chỉ khâu, găng tay hay khẩu trang và chỉ có hai trong số tám phòng phẫu thuật đang hoạt động.
Một bệnh nhân hai lần sống sót sau ung thư đã chết vì nhiễm trùng đường tiểu vì bệnh viện không có thuốc kháng sinh.
Trong khi đó, Chính phủ lại đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này, mặc dù cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ lâu trước khi chúng được áp đặt.
Tỷ lệ sinh viên sau đại học bỏ học cũng tăng cao trong khi đại dịch diễn ra, đặc biệt là ở những bang mà cha mẹ không còn đủ khả năng chi trả cho việc học của con cái họ.
"Chúng tôi giống như đang hàn gắn mọi thứ đang đổ vỡ ở đây vậy", một bác sĩ nói đùa khi nhắc đến tình hình hiện tại. Các nghiệp đoàn đã yêu cầu trả lương cho nhân viên làm viêc trong trường đại học bằng đồng USD nhưng vô hiệu.
Chaira Moreno, một công đoàn viên làm việc trong ban giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đã viết thư cho Nhà nước, Liên hợp quốc, chúng tôi đã đến nhiều tổ chức để nói lên điều này.
Moreno treo danh sách các yêu cầu trong văn phòng tồi tàn của mình nhưng giám đốc bệnh viện Jairo Silva nói với cô ấy rằng anh ấy cũng sắp hết tiền.
Một số người vẫn còn nhớ Venezuela như thế nào trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trong thập kỷ qua. "Tôi xây được nhà bằng số tiền tôi kiếm được ... và tôi đi ăn ở nhà hàng. Tôi đã không thể làm điều đó trong 8 năm qua", một người đầu bếp cho biết.
Cô này chia sẻ cô đang cho thuê hai phòng trong ngôi nhà của mình với giá 20 USD/tháng mỗi phòng và cũng làm công việc dọn vệ sinh trong một trường cao đẳng tư thục. Hôm trước cô đã tự thưởng cho mình một chiếc áo lót mới.
"Nó tốn của tôi 5 USD, tôi vẫn còn đổ mồ hôi vì mức giá ấy", cô nói đùa và kéo dây áo ngực ra khỏi bộ đồng phục của mình để khoe nó.