Công Phượng chơi bóng tại Bỉ khó gấp trăm lần chuyện về nước!
Cho ra đời một Công Phượng tài năng để đi Bỉ thi đấu và đi vào lịch sử, điều này khó gấp hàng trăm lần chuyện đào tạo cầu thủ chơi ở V.League.
Trước khi bàn đến câu chuyện Công Phượng, chúng ta hãy nhìn về những câu chuyện thực tế đã xảy ra ở bóng đá thế giới. King Kazu – huyền thoại bóng đá Nhật Bản nếu sống trong suy nghĩ đá không được thì hãy trở lại nước Nhật để chơi bóng, được tung hô thì nền bóng xứ hoa Anh đào có lẽ phải đợi rất lâu để đi World Cup.
King Kazu đi Brazil ở thuở 15 tuổi, sau đó trở về Nhật Bản được tung hô như một vị vua của nền bóng đá nơi này. King Kazu không thể hiện được gì ở Bazil, cứ vài tháng phải chuyển CLB. Nhưng người Nhật chọn ông làm người tiên phong, là niềm tự hào.
Trở về quê nhà, King Kazu tiếp tục sang Ý chơi bóng. Đó là một sản phẩm có tính thương mại khi đội bóng của Ý không trả lương cho King Kazu, số tiền này được một hãng truyền hình của Nhật Bản chi trả. Họ đổi lại phát sóng các trận đấu có King Kazu để người dân Nhật Bản xem.
Truyền thông Ý còn làm những phóng sự, đăng tải những bài viết chế giễu tài năng chơi bóng của King Kazu như nghiệp dư nếu đặt ở danh tiếng của giải vô địch quốc gia Ý. Nhưng người Nhật không nghĩ thế, họ bảo vệ “đứa con cưng”.
Theo logic, King Kazu cũng không phải cầu thủ Nhật đầu tiên sang châu Âu chơi bóng, ông cũng không tạo được dấu ấn chuyên môn. Tại sao người Nhật chọn King Kazu làm niềm tự hào?
Đó là một sự ghi nhận, sự tự hào vì nền bóng đá Nhật có cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng. Người Nhật muốn thông qua ý chí, sự dũng cảm của King Kazu để thúc đẩy cả nền bóng đá phát triển, chứ không phải chờ King Kazu thành công ở châu Âu mới trân trọng.
Bảo tàng của Legia Warsaw (Ba Lan) bây giờ còn có một tủ kính để găng tay, áo đấu của thủ thành Lukasz Fabianski, cựu thủ môn của Arsenal. Họ đặt một vị trí trang trọng dành cho Fabianski trong bảo tàng, dù thời điểm anh đến ngoại hạng Anh thì chưa hề được bắt chính.
Lý do là Fabianski được trân trọng như một ngôi sao, còn Legia Warsaw tôn vinh theo kiểu tự hào cho ra đời một cầu thủ có thể chơi cho Arsenal, đến giải đấu số 1 thế giới thi đấu. Họ không cần chờ Fabianski có thể trở thành trụ cột của Arsenal hay gặt hái vô số danh hiệu mới tôn vinh và sự thật thì sau này Fabianski vẫn không thể thành công như kỳ vọng.
Đó là cách làm bóng đá đi từ văn hóa truyền thống, nhằm tạo nên niềm cảm hứng cho những thế hệ kế tiếp có thể bước lên tầm cao như thủ thành Fabianski .
Bây giờ, câu chuyện của Công Phượng đang trở thành tâm điểm với những tiếng kêu gọi trở về ở khía cạnh đang không được ra sân ở Bỉ. Liệu có đúng?
Ở góc nhìn của người hâm mộ, mọi người đều mong xem Công Phượng thi đấu, hoặc không thấy ra sân thì rủ nhau “gọi” Phượng trở về Việt Nam để được đá. Điều đó không sai nhưng chỉ là góc nhìn ở khía cạnh cảm xúc, nó không phải là gốc rễ của vấn đề.
Chúng ta hãy nhìn lại quá khứ, lịch sử bóng đá Việt Nam đã có cầu thủ nào ra châu Âu theo một cách tự hào như Công Phượng? Và bao lâu rồi thì Việt Nam mới có 1 cầu thủ đi châu Âu?
Trước Công Phượng, Công Vinh đi Bồ Đào Nha chơi bóng nhưng anh chỉ có vỏn vẹn 3 tháng. Nó là một chuyến đi theo kiểu “du học” chứ không phải tài năng được CLB của châu Âu tìm đến chiêu mộ. Nhưng Công Vinh đã ít nhiều giúp bóng đá Việt Nam được nhìn nhận rộng rãi hơn.
Và phải mất thêm 10 năm thì bóng đá Việt Nam mới chứng kiến một cầu thủ khác ra châu Âu chơi bóng, đó là Nguyễn Công Phượng.
Thế tại sao Công Phượng đang ở Bỉ phải trở lại V.League? Trở lại Việt Nam chơi bóng với Công Phượng rất đơn giản, vì anh là ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Nhưng vế ngược lại, một cầu thủ Việt Nam được ra châu Âu chơi bóng là một câu chuyện mang tính lịch sử.
Hơn 30 năm kể từ ngày bóng đá Việt Nam trở lại khu vực, cả nền bóng đá mới có 3 cầu thủ ra châu Âu là Công Phượng, Văn Hậu, Công Vinh. Trong số đó, Công Phượng là hình mẫu từ tài năng đến kỹ năng ngoài sân cỏ (giao tiếp ngoại ngữ), đi bằng một bản hợp đồng đúng nghĩa chuyên nghiệp.
Nhìn rộng hơn, bầu Đức có hơn 12 năm “trồng người”, tốn rất nhiều tiền, tấm huyết, bỏ công sức để mở Học viện bóng đá, kết hợp với Arsenal… Cuối cùng, bầu Đức mới có một cầu thủ ra châu Âu là Công Phượng. Đó chính là niềm tự hào nếu đặt vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Nhìn từ King Kazu đến Fabianski được trân trọng, độc giả có thể hiểu hơn khi nhìn về Công Phượng ở khía cạnh bóng đá, từ việc đào tào một cầu thủ trở thành ngôi sao, có thể ra châu Âu chơi bóng ở một nền bóng đá thuộc “vùng trũng” thiếu thốn nhiều thứ, còn nhiều vấn đề thiếu chuyên nghiệp, đó là một kỳ công chứ không phải muốn là được.
Rõ ràng, Công Phượng đi được đến Bỉ đã là kỳ tích của bóng đá Việt Nam, một câu chuyện mang tính lịch sử sau hơn 30 năm, chứ không phải nhìn nhận vào chuyện tiền đạo này có được ra sân thi đấu nhiều ở Bỉ hay không.
Và hành trình dài miệt mài hy sinh thầm lặng ở giai đoạn bóng đá Việt Nam chưa phát triển của bầu Đức mới đáng trân trọng và ý nghĩa, chứ không thể nhìn từ xuất phát điểm Công Phượng đến Bỉ rồi đòi hỏi phải được chơi bóng, tỏa sáng, sau đó luận thành – bại.
Vậy nên, chuyện gọi Công Phượng về Việt Nam chơi bóng thì hãy nghĩ về những vấn đề kể trên. Vì không biết bao giờ thì bóng đá Việt Nam mới có thêm một Công Phượng ra châu Âu chơi bóng theo đúng nghĩa bóng đá chuyên nghiệp, được thừa nhận về tài năng chứ không phải đánh đổi bằng yếu tố thương mai theo diện đi du học để đánh bóng tên tuổi.