Công Phượng 'rê quẩn' và triết lý phòng ngự tổng lực của Park Hang Seo
Công Phượng không ghi bàn, hay rê luẩn quẩn, không sút trúng đích lần nào, tại sao vẫn được HLV Park Hang Seo tin dùng?
HLV Park Hang Seo không chắc về cảm giác bóng của Công Phượng. Khi được hỏi về trạng thái học trò, ông Park nói Công Phượng "vui vẻ, nói nhiều với đồng đội", còn cảm giác bóng thì có "một chút vấn đề". 10 trận gần nhất ở Bỉ, Phượng không được đăng ký 9 trận. Trận còn lại được đăng ký nhưng không được đá. Vấn đề của cầu thủ sinh năm 1995 không phải là "một chút".
Nhưng 4 trận đầu tiên ở vòng loại World Cup, Công Phượng ra sân 3 trận, con số ngang với Tiến Linh - cầu thủ đã có 2 bàn. Công Phượng đá 135 phút, chỉ kém Văn Toàn, Quang Hải, Tiến Linh (đều là những tiền đạo chắc suất đá chính), nhiều hơn Anh Đức, Việt Phong.
Nói vậy để thấy, Công Phượng vẫn được ông Park tin dùng. HLV người Hàn Quốc nhìn thấy điều gì ở cầu thủ này?
Trước khi nói về Công Phượng, cần đề cập đến thành tích phòng ngự của tuyển Việt Nam: thủng lưới 1 bàn sau 4 trận. Thành tích chỉ kém Hàn Quốc, Nhật Bản, hơn 34 đội châu Á. 20 trận gần nhất, Việt Nam chỉ 1 lần thủng nhiều hơn 2 bàn, 3 lần thủng nhiều hơn 1 bàn. Thành tích phòng ngự của ĐTQG chỉ kém Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, ổn định hơn phần còn lại.
Vì sao Việt Nam khó bị thủng lưới? Nếu chỉ nhờ tài năng của hậu vệ, thì hãy nhớ một thống kê khác: ở cấp độ CLB, Trọng Hoàng, Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải cùng Viettel thủng lưới tới 40 lần, nhiều thứ 6 V-League. Duy Mạnh, Văn Lâm thi thoảng mắc sai lầm, Văn Hậu vẫn đi tìm sự thừa nhận ở Heerenveen.
Không phủ nhận tài năng của các hậu vệ Việt Nam. Đó đều là cầu thủ giỏi, ổn định và chắc chắn. Song tách biệt từng cá nhân, chưa ai ở mức xuất chúng.
HLV Park Hang Seo vẫn tạo được hàng phòng ngự xuất chúng nhờ những con người ấy, bởi ông xây dựng được một hệ thống cùng nhau bảo vệ khung thành. Trong bóng đá hiện đại, vai trò cầu thủ được dần định nghĩa lại. Phòng ngự không còn là chuyện riêng của hậu vệ và thủ môn, cũng như tấn công không phải chuyện riêng của tiền vệ, tiền đạo.
Phòng ngự phải dựa trên hệ thống với sự vận hành tổng lực của 11 cá nhân. Nói cách khác, tiền đạo cũng phải phòng ngự. Cái hơn của Park Hang Seo so với người tiền nhiệm là ông gò được cả đội hình vào triết lý chung ấy.
Một pha tấn công của UAE không bắt đầu trên phần sân của Việt Nam. Mà nó được khởi động từ khi cặp trung vệ cầm bóng và phối bóng ra biên hoặc về giữa. Định nghĩa được điểm khởi đầu của pha tấn công, HLV Park yêu cầu tiền đạo Việt Nam phải phòng ngự ngay ở phần sân đối thủ. Việc Ngọc Hải, Tiến Dũng hay Duy Mạnh phá bóng, bắt người chỉ là giải pháp cuối khi phía trên bị vượt qua.
Vậy Quang Hải, Công Phượng phòng ngự như thế nào?
Phút 64, Công Phượng cầm bóng ở cánh trái, vượt qua 2 hậu vệ UAE, rê vào trung lộ và chuyền ngược lại cho Quang Hải. Quãng đường di chuyển dài khiến Công Phượng hết sức, chuyền hỏng đáng tiếc. Bóng trở lại chân tiền vệ UAE. Đội khách tổ chức tấn công. 18 giây sau, pha tấn công thất bại.
Phút 74, Công Phượng lại cầm bóng đột phá, lần này ở cánh phải, hai lần rê dắt, ngoặt bóng, bị cướp bóng. Đội khách tổ chức tấn công. 22 giây sau, pha tấn công thất bại. Phút 89, Công Phượng phát động phản công, rê dắt và chuyền cho Quang Hải. Lần này, Quang Hải sút chệch cột.
Vấn đề là: tại sao hai lần tấn công liên tiếp sau khi cướp bóng từ chân Công Phượng, UAE đều vỡ đội hình? Câu trả lời là: hầu hết cầu thủ UAE đều phải lùi về sân nhà khi số 10 của Việt Nam có bóng. Công Phượng rê dắt khiến UAE phải sử dụng số đông để tranh cướp. Tình huống đầu tiên, 6 cầu thủ UAE lùi về, 3 người tranh chấp trực tiếp. Tình huống thứ hai là 8 cầu thủ lùi về. Ở tình huống cuối là 7.
Do phải lùi rất đông quân số về thiết lập hệ thống phòng ngự vừa bị Công Phượng làm xáo trộn, UAE không đủ sức tổ chức tấn công. Quân số tấn công của UAE sau khi có bóng từ Công Phượng trong 2 tình huống lần lượt là 3 và 1, quá ít so với lần lượt 6 và 7 cầu thủ Việt Nam.
Đến đây, vai trò của Công Phượng dần được làm sáng tỏ. Cầu thủ xứ Nghệ được ưu ái bơm bóng, dùng tốc độ, kỹ thuật thu hút càng nhiều cầu thủ UAE càng tốt. Khi Công Phượng đột phá, khối đội hình UAE co cụm, cô đặc lại, phải mất rất nhiều thời gian để tỏa ra và cân bằng.
Việc lôi kéo các cầu thủ đối phương ra khỏi vị trí và khiến họ mất thời gian trở lại cũng là cách phòng ngự hay nhất. Không phải cứ lùi về "dựng bê tông" mới là phòng ngự.
Một pha phòng ngự của Việt Nam bắt đầu khi Công Phượng rê bóng, cũng như đường tấn công được khởi động khi Ngọc Hải cầm bóng. Phòng ngự hay tấn công đều là nhiệm vụ của cả đội, được xây dựng dựa trên khối đội hình vững chắc, khó bị xuyên thủng.
HLV Park Hang Seo tự tin đến đâu với triết lý của mình, hãy xem cách ông thay người. Gặp Thái Lan, ông thay Tiến Linh, Trọng Hoàng, Duy Mạnh bằng Công Phượng, Văn Hậu, Văn Thanh. Gặp Malaysia, ông thay Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn bằng Đức Huy, Anh Đức, Việt Phong. Gặp UAE, ông thay Văn Toàn, Tiến Linh, Hùng Dũng bằng Công Phượng, Hoàng Đức, Đức Huy.
2/3 trận nói trên, Việt Nam cần bảo vệ tỷ số, nhưng ông Park không bao giờ thay một cầu thủ tấn công bằng một cầu thủ phòng ngự. Các cầu thủ được tung vào và rút ra đá cùng vị trí. Về cơ bản, đội hình không thay đổi. Trận gặp Indonesia là lần duy nhất ông thay tiền đạo (Tiến Linh) bằng cầu thủ chạy cánh (Văn Thanh). Nhưng khi vào sân, Văn Thanh đá... tiền đạo.
HLV Park Hang Seo tự tin, bởi ông không cho rằng việc tăng số hậu vệ sẽ giúp Việt Nam chắc chắn hơn. Ngược lại, muốn phòng ngự tốt, tấn công phải tốt. Hàng công càng đeo bám, bắt người, gây sức ép tốt, hàng thủ càng nhàn rỗi.
Điều này khác hẳn thời HLV Toshiya Miura khi 5, 6 hậu vệ luôn trên sân khi Việt Nam gặp đội mạnh. HLV người Nhật Bản từng dùng cặp tiền vệ "chém đinh chặt sắt" Minh Châu - Khánh Lâm đương đầu với Thái Lan. Ông Park không cần như vậy. Việt Nam thủ hay gần nhất châu Á, song bộ ba trung vệ cùng thủ môn Văn Lâm chưa gặp phải quá nhiều áp lực. Văn Lâm thậm chí còn mắc một số sai lầm, mà vẫn không thủng lưới.
Nước cờ tung Công Phượng vào sân của HLV Park cũng cao tay. Khi nhận thấy HLV Bert van Marwijk thay đổi vai trò của số 10 Omar Abdulrahman từ tiền vệ tổ chức lùi sâu lên tiền đạo, ông Park lập tức để Công Phượng đá thường trực trước mặt trung vệ UAE.
Omar dâng cao, trung vệ bị neo lại ở sân nhà, tiền vệ bị chia cắt, UAE hết đường triển khai tấn công. 30 phút cuối trận, số pha lên bóng tạo cơ hội của đội khách là 0.
Đó là lý do ông Park nói học trò "hoàn thành nhiệm vụ". Khả năng rê dắt và luồn lách tốt của Công Phượng là "ác mộng" với hậu vệ Tây Á. Tuy nhiên, nói vậy không phải để thấy Phượng đá tốt. Ngược lại, cầu thủ số 10 có nhiều pha bóng không ổn, mà nếu ngẩng đầu lên để phối hợp với các vệ tinh khác, pha tấn công đã có thể thành bàn.
Trong thời gian khởi động trước trận, trợ lý Lee Young Jin bắt Công Phượng tập sút gấp đôi các cầu thủ khác. Ông làm vậy không phải vì Phượng... sút dở, mà vì muốn học trò lấy lại sự tự tin. Từ sau cú sút trở thành "trò cười" trong trận gặp Thái Lan, Phượng sợ sút, ít sút hơn hẳn. Ít nhất 2 tình huống tối qua, cầu thủ gốc Đô Lương có thể dứt điểm nhưng lại chọn cách rê.
Quang Hải cũng chia sẻ: cảm giác của Công Phượng chưa tốt, ở đây là cảm quan vị trí. Quá lâu không được đá, lại tập ít, Công Phượng không hình dung được đồng đội ở đâu. Mãi đến phút 89, cầu thủ này mới lần đầu phối hợp thành công. Công Phượng vẫn cần thời gian lấy lại cảm giác.