'Cõng sóng' về bản xa

Để Bản Khoang 'trắng sóng' bao năm qua là 'món nợ' của Viettel với đất và người Lào Cai nói chung, đặc biệt với đồng bào ở 4 thôn: Gia Khấu, Kim Ngan, Sả Chải, Suối Thầu (xã Bản Khoang, nay là xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) nói riêng. Hôm nay, sóng di động đã được 'cõng' thành công lên đỉnh Hoàng Liên Sơn. Vậy là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân tin cậy giao cho...', anh Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc Viettel Lào Cai tâm sự như vậy trong Lễ khai trương trạm phát sóng thông tin di động Viettel được tổ chức vào những ngày cuối năm 2019.

Niềm vui của người dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa khi có sóng di động sử dụng (ảnh chụp trước ngày 28/3/2020).

Niềm vui của người dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa khi có sóng di động sử dụng (ảnh chụp trước ngày 28/3/2020).

Vượt khó để “cõng sóng”

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã Ngũ Chỉ Sơn chừng 8 cây số, nhưng chúng tôi phải đi mất gần 1 giờ đồng hồ mới tới điểm khai trương trạm phát sóng thông tin di động Viettel tại thôn Suối Thầu. Chiếc ô tô 2 cầu liên tục “nhún nhảy” vì vấp phải hàng trăm “ổ voi” trên đường đi, khiến đầu tôi húc vào nóc xe nhiều lần. Nhưng đó chưa phải là đoạn đường khó đi và nguy hiểm nhất, cho đến khi phải vượt qua con suối để sang địa phận thôn Suối Thầu. Đây cũng là tuyến độc đạo nối 4 thôn Gia Khấu, Kim Ngan, Sà Chải, Suối Thầu với trung tâm xã.

Chủ tịch UBND xã Chảo Dần Chiêu cho biết: trước đây, một số nhà mạng di động đã vào Suối Thầu khảo sát vị trí đặt trạm, nhưng đều phải “xua tay, lắc đầu” vì địa hình ở đây vô cùng hiểm trở, giao thông chia cắt, dốc thẳng đứng, cheo leo.

Một cán bộ Viettel Lào Cai tâm sự rằng, muốn lên trạm phát sóng thông tin di động Viettel LCI0471, từ Suối Thầu, chúng tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ “tứ chi phối kết hợp”, với tất cả các tư thế như đi, bò, trườn, quỳ... trên những dốc núi dựng đứng.

Cũng chính vì địa hình núi cao, dốc, nên toàn bộ vật liệu để xây dựng trạm chỉ có thể vận chuyển bằng sức người. Với tinh thần quả cảm của những người lính, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên Viettel Lào Cai cùng với chính quyền và người dân nơi đây quyết tâm vượt qua khó khăn, để rồi từng bao xi măng, sắt, thép, cột, kèo đã được “cõng” lên tận đỉnh Hoàng Liên Sơn sừng sững. Sau một thời gian thi công lắp đặt, trạm phát sóng thông tin di động Viettel LCI0471 với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng chính thức đưa vào hoạt động trong niềm vui của chính quyền và người dân xã Ngũ Chỉ Sơn.

Khi có sóng di động, đồng bào vùng cao có cơ hội sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc (ảnh chụp trước ngày 28/3/2020).

Khi có sóng di động, đồng bào vùng cao có cơ hội sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc (ảnh chụp trước ngày 28/3/2020).

Mang niềm vui đến mọi người

“Chúng tôi mong ngày này từ lâu lắm. Trước đây, mỗi khi muốn nắm tình hình thôn, bản là phải trực tiếp vào tận nơi, nhất là khi xảy ra thiên tai, lũ quét đột ngột thì việc nắm thông tin rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Còn bây giờ, việc thông tin liên lạc giữa các thôn với xã đã dễ dàng, thuận lợi hơn khi có sóng di động”, ông Chảo Dần Chiêu, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn nói.

Đã hơn 4 tháng kể từ khi có trạm phát sóng thông tin di động Viettel 2G và 4G, cũng là từng ấy thời gian đời sống của hơn 200 hộ ở 4 thôn Suối Thầu, Gia Khấu, Kim Ngan, Sả Chải thay đổi. Chị Chảo Tả Mẩy, ở thôn Suối Thầu cho biết: trước kia, mọi người muốn liên lạc với nhau phải đến tận nhà, nhiều hôm con bị ốm, muốn thông báo cho thầy cô giáo cũng phải đến tận trường, nên mất nhiều thời gian. Còn anh Chảo Duần Tín ở thôn Gia Khấu bày tỏ: từ khi có trạm phát sóng thông tin di động Viettel ở Suối Thầu, người dân thôn Gia Khấu mừng như bắt được vàng. Dịp tết Nguyên đán, cả nhà tôi có thể gọi video chúc tết người thân, họ hàng nơi xa, vui lắm. Trước kia, mỗi lần gọi điện thoại, tôi lại phải chạy lên những chỗ cao, cách đó vài cây số mới có tín hiệu, nhưng cũng chập chờn, giờ thì khác rồi, có sóng điện thoại mới thấy thuận lợi, liên lạc dễ hơn rất nhiều.

Từ bao lâu nay, được sử dụng mạng internet không chỉ là niềm vui của người dân, mà còn là niềm ao ước của thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Bản Khoang. Sang năm 2020, Trường Tiểu học Bản Khoang đã có thể tiếp cận internet thông qua đường cáp quang do Viettel Lào Cai tài trợ lắp đặt. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Khoang - Hoàng Hồng Giang cho biết: có mạng internet sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học của nhà trường, giúp học sinh vùng cao được tiếp cận công nghệ thông tin, ánh sáng của tri thức. Các thầy cô giáo cũng có thêm điều kiện để trao đổi thông tin giảng dạy với đồng nghiệp ở những nơi khác, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của trường.

Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, đặc biệt là mỗi khi mưa to, gió lớn, nếu đường truyền gặp sự cố là nhân viên kỹ thuật Viettel lại có mặt kịp thời để khắc phục, sửa chữa, đảm bảo nhu cầu liên lạc cho người dân nơi đây. Càng vui mừng hơn khi Viettel Lào Cai không chỉ lắp đặt trạm phát sóng, mà còn tặng nhiều sim điện thoại để người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện liên lạc.

Sau nhiều năm, từ vùng “trắng” sóng di động, giờ đây, hơn 200 hộ với gần 1.300 nhân khẩu, trong đó đa số là đồng bào dân tộc thiểu số đã có được cơ hội sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc, không chỉ trên sóng 2G, mà còn kết nối qua mạng internet với công nghệ 4G. Sự kiện phủ sóng điện thoại di động tại xã sẽ góp phần đảm bảo thông tin liên lạc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thi Khanh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/khoa-hoc-va-doi-song/cong-song-ve-ban-xa-z13n2020042509010726.htm