Công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới
'Công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới' là chủ đề Tọa đàm khoa học do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 7/10 dưới sự chủ trì của đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chuyên gia, nhà khoa học và một số vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tọa đàm được tổ chức để có thêm cơ sở khoa học, ý kiến của các cơ quan chức năng và chuyên gia nhằm hoàn thiện “Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cương sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (Đề án).
Theo Dự thảo Đề án, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cương sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Chỉ thị 08-CT/TW), công tác an toàn thực phẩm (ATTP) của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên đối với công tác ATTP có sự chuyển biến rõ rệt; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã coi việc đảm bảo ATTP là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp; nhân dân đã trở thành những “người tiêu dùng thông thái”. Công tác quản lý nhà nước về ATTP ngày càng hiệu quả; kinh phí đầu tư cho công tác ATTP tăng lên. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP đã cơ bản thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội luật hóa được các điều ước, hiệp định quốc tế. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP từng bước được thực hiện nghiêm túc hơn. Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm ngày càng chủ động. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP được đổi mới về nội dung và hình thức...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác ATTP; đội ngũ làm công tác quản lý và thanh tra ATTP ở một số địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP chưa đáp ứng với chuẩn mực quốc tế; công tác tuyên truyền, vận động giáo dục về ATTP ở một số nơi chưa thường xuyên, chưa hiệu quả; sự phối hợp giữa một số cơ quan quản lý nhà nước về ATTP còn hạn chế; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác ATTP chưa được quan tâm...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do vai trò của chính quyền địa phương, cán bộ lãnh đạo quản lý, Ban Chỉ đạo ATTP các cấp chưa phát huy đúng mức. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng còn hạn chế. Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận đã tạo ra những sản phẩm không an toàn. Tổ chức bộ máy quản lý ATTP ở tuyến tỉnh, huyện, xã chưa ổn định, thiếu sự thống nhất giữa các địa phương. Nhân lực tại tuyến cơ sở thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm, hoạt động chưa hiệu quả. Một bộ phận công chức chưa nghiêm túc trong xử lý vi phạm ATTP, còn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu...
Từ những kết quả chủ yếu đã đạt được và tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực Chỉ thị 08-CT/TW, Dự thảo Đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp công tác ATTP trong tình hình mới như: đổi mới, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý ATTP; tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn gắn với đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về ATTP...
Tại Tọa đàm, trên cơ sở của các sản phẩm phục vụ cho Đề án (Báo cáo tóm tắt; Dự thảo Tờ trình Ban Bí thư Trung ương Đảng; Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW;...), các đại biểu bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học đã tham góp nhiều ý kiến xác đáng xuất phát từ tình hình mới của đất nước và thế giới; tập trung vào các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của công tác ATTP thời gian qua và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới. Trong đó có những vấn đề trọng tâm như: Hệ thống văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành về ATTP từ Trung ương đến địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP; sự phối hợp trong quản lý và thanh tra, kiểm tra về ATTP giữa các ngành tại Trung ương, địa phương và giữa Trung ương với địa phương; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý ATTP...
Các ý kiến tại Tọa đàm cũng thống nhất cao với giải pháp tăng cường đổi mới, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP cần chú trọng đến tính phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng; truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số của mạng xã hội; tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống phát thanh - truyền hình ở cơ sở; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở...
Kết luận Tọa đàm, đồng chí Phùng Xuân Nhạ cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, khoa học, lý luận gắn với thực tiễn của các đại biểu; giải đáp, trao đổi lại một số vấn đề nêu ra liên quan đến Đề án; đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu, bổ sung, khẩn trương hoàn thiện các sản phẩm của Đề án để trình Ban Bí thư Trung ương Đảng trong thời gian sớm nhất./.