Công tác bảo hộ và đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19: Mệnh lệnh đến từ trái tim
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, nhiều công dân Việt Nam học tập, sinh sống, làm việc... tại nước ngoài gặp khó khăn không thể về nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng Việt Nam khẩn trương thực hiện các hoạt động bảo hộ công dân, hỗ trợ và tổ chức các chuyến bay đưa công dân có nguyện vọng được về quê hương. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, Bộ Ngoại giao đã cùng các bộ, ngành liên quan coi công tác này không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là 'mệnh lệnh đến từ trái tim'.
Công dân Việt Nam trở về từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) xuống máy bay tại sân bay quốc tế Cần Thơ.
- Khi dịch bệnh xảy ra, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã vào cuộc như thế nào để hỗ trợ, giúp đỡ người Việt Nam tại nước ngoài gặp khó khăn, thưa Thứ trưởng?
- Do tình hình dịch bệnh bùng phát rất nhanh và diễn biến phức tạp khiến giao thông toàn cầu gần như bị đóng băng, rất nhiều công dân Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau đã bị kẹt lại ở nước ngoài. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương thiết lập đường dây nóng bảo hộ công dân hoạt động 24/7, làm việc với chính quyền sở tại để tháo gỡ khó khăn, thu xếp kết nối các chuyến bay…
Từ ngày 10-4, thời điểm Chính phủ phê duyệt chủ trương đưa người về nước đến ngày 17-8, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 102 chuyến bay, đưa gần 26.000 công dân từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, chiếm 38% trên tổng số hơn 68.000 công dân có nguyện vọng đăng ký trở về quê hương. Thực tế, việc xin phép bay không hề đơn giản, thủ tục rất phức tạp, đặc biệt ở những quốc gia Việt Nam chưa từng có chuyến bay thẳng như: Hoa Kỳ, Canada, Angola, Guinea Xích đạo...
Có những chuyến bay cần tính toán rất kỹ về thời điểm cũng như địa điểm phù hợp do phải cùng lúc đón công dân từ nhiều nước. Có những chuyến bay gặp nhiều thách thức như phải đón công dân đã được chẩn đoán hoặc bị nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm và coi công tác bảo hộ, đưa công dân về nước không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh đến từ trái tim”, Bộ Ngoại giao đã cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng chi tiết các kế hoạch bay. Qua đó, chúng ta đã tổ chức thành công và an toàn nhiều chuyến bay, đáp ứng được nguyện vọng về nước chính đáng của công dân Việt Nam, đồng thời bảo đảm cân đối chung, phù hợp với năng lực cách ly và các biện pháp phòng, chống dịch trong nước.
- Xin Thứ trưởng cho biết, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã gặp phải những khó khăn gì khi thực hiện việc bảo hộ, hỗ trợ công dân về nước?
- Đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xảy ra và lây lan rất nhanh trên quy mô toàn cầu, do đó đã nảy sinh các tình huống vô cùng khó khăn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, như: Nhiều người bị mắc kẹt tại sân bay do các nước đóng cửa biên giới; việc làm bị ảnh hưởng; không có chỗ ở hay bị nhiễm bệnh hoặc khó khăn trong việc tiếp cận, chăm sóc y tế… Những vấn đề này đã tạo ra thách thức chưa từng có cho công tác bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, vì chỉ trong thời gian ngắn và tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng phải thực hiện một khối lượng công việc lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Trong đại dịch lần này, có thể nói các cán bộ ngoại giao công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch. Dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, song các cán bộ ngoại giao Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, thu xếp cuộc sống để kiên trì bám trụ địa bàn, đặt ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân. Thực tế, đã có một số trường hợp cán bộ bị mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm nên phải tự cách ly; nhiều trường hợp cán bộ đã hết nhiệm kỳ được yêu cầu ở lại phục vụ công dân; một số cán bộ có những việc quan trọng trong gia đình như bố, mẹ mất cũng không thể làm tròn bổn phận với người thân.
- Được biết, hiện số người Việt Nam muốn trở về nước vẫn còn rất lớn, Thứ trưởng có thể chia sẻ về kế hoạch liên quan đến hoạt động bảo hộ công dân trong thời gian tới?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Ngoại giao đang tiếp tục nỗ lực cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức đưa các công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trên cơ sở phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly ở trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Đối với công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía nước bạn nhằm bảo đảm điều kiện sinh hoạt, học tập, làm việc, chăm sóc y tế… tốt nhất trong khả năng có thể.
- Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó lường, Thứ trưởng có những khuyến cáo gì với công dân Việt Nam ở nước ngoài đang muốn quay trở về?
- Chúng tôi hiểu rằng, nhu cầu về nước của công dân hiện nay còn rất lớn. Đây cũng là quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế những ngày vừa qua và để chia sẻ với nỗ lực, cũng như những khó khăn, hạn chế về nguồn lực, khả năng cách ly của đất nước hiện nay…, người dân hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định về nước.
Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi còn trăn trở và mong rằng bà con sẽ tiếp tục cùng đồng hành, tin tưởng Chính phủ và các cơ quan trong nước đang nỗ lực để có thể sớm đón các công dân có nguyện vọng về nước. Trong thời gian ở nước ngoài, bà con cần tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của nước sở tại. Hơn bao giờ hết, đây là lúc tinh thần tương thân tương ái, tình đồng hương, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam được phát huy hơn cả.
Cùng với người dân trong nước, tôi tin rằng, quyết tâm vượt khó cùng sự đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau của những người Việt xa xứ sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của cả đất nước để chiến thắng đại dịch.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.