Công tác bảo trì, bảo hành công trình xây dựng còn nhiều bất cập
Với mỗi công trình được xây dựng, cần đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và có sức bền. Tuy nhiên, trong thực tế, chủ đầu tư – nhà thầu thi công gặp không ít khó khăn trong quá trình bảo hành, bảo trì công trình.
Các chuyên gia nhận định, công tác bảo trì là một trong những khâu đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng, tăng cường độ bên, đảm bảo an toàn cho người sử dụng…Chính vì vậy, những quy định về công tác bảo trì công trình được quy định ngày càng chặt chẽ trong Luật Xây dựng, cũng như trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật liên quan, yêu cầu chủ sở hữu (hoặc người sử dụng công trình) có trách nhiệm thực hiện bảo trì công trình, tuân thủ các quy định của pháp luật và kỹ thuật về bảo trì công trình.
Việc bảo trì công trình xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 126 Luật Xây dựng năm 2014. Yêu cầu về bảo trì công trình xây dựng được quy định như sau: Công trình, hạng mục công trình xây dựng khi đưa vào khai thác, sử dụng phải được bảo trì; Quy trình bảo trì phải được chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt trước khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng; phải phù hợp với mục đích sử dụng, loại và cấp công trình xây dựng, hạng mục công trình, thiết bị được xây dựng và lắp đặt vào công trình; Việc bảo trì công trình phải bảo đảm an toàn đối với công trình, người và tài sản. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình xây dựng, máy, thiết bị công trình. Việc bảo trì công trình xây dựng, thiết bị công trình phải được thực hiện theo kế hoạch bảo trì và quy trình bảo trì được phê duyệt. Chính phủ quy định chi tiết về bảo trì công trình xây dựng và trách nhiệm công bố công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng.
Để hướng dẫn Luật Xây dựng 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trong đó có đầy đủ các quy định công tác bảo trì xây dựng như: Trình tự thực hiện, quy trình và kế hoạch bảo trì, quản lý chất lượng công tác bảo trì... Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã ban hành một số thông tư liên quan như: Thông tư số 02/2016/TT-BXD; Thông tư số 03/2017/TT-BXD; Thông tư số 26/2016/TT-BXD; Thông tư số 03/2016/TT-BXD… Các quy định pháp lý cho công tác bảo trì đã được quy định khá đầy đủ trong các văn bản này.
Như vậy, trách nhiệm của các chủ thể liên quan đã được quy định rõ. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, vẫn còn không ít vướng mắc trong giải quyết, xử lý sự cố công trình do một số quy định của Nghị định 46.
Tìm hiểu được biết, trong năm 2018, Sở Xây dựng Nam Định đã tiến hành thẩm định 38 hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình với tổng dự toán lập là 384 tỷ 254 triệu đồng. Qua thẩm định, dự toán giảm 4 tỷ 442 triệu đồng (tương đương 1,15%). Trong dự toán công trình, chủ đầu tư đều yêu cầu bảo hiểm công trình (BHCT) với giá trị tương đương 3 - 5% giá trị hợp đồng tùy thuộc vào cấp công trình. Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp nhận báo cáo, kiểm tra hồ sơ hoàn thành, kiểm tra hiện trường thi công xây dựng công trình và ban hành 13 thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình của chủ đầu tư. Trong các kết quả nghiệm thu công trình, khi kiểm tra đều yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công nghiêm túc thực hiện quy định BHCT, bảo lãnh BHCT.
Điều 34 của Nghị định 46 quy định nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm BHCT, bảo hành thiết bị; thời hạn bảo hành được tính kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của hợp đồng xây dựng, hợp đồng cung ứng thiết bị nhưng không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng; không ít hơn 12 tháng đối với công trình các cấp còn lại; mức bảo hành là 5% giá trị hợp đồng. Thời hạn BHCT nhà ở thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở. Trong thời hạn bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình phải thực hiện việc bảo hành sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư. Nếu các nhà thầu không tiến hành bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa. Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong BHCT xây dựng; mức tiền bảo hành và việc lưu giữ, sử dụng, hoàn trả tiền bảo hành theo quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Việc bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận. Bên nhận thầu chỉ được hoàn trả bảo đảm BHCT sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành. Trong thời hạn bảo hành, bên nhận thầu phải thực hiện việc bảo hành trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sửa chữa của bên giao thầu.
Tuy nhiên, các quy định trong Nghị định 46 mới chỉ rõ trách nhiệm cũng như quy trình thực hiện đánh giá hư hỏng công trình trong trường hợp công trình chỉ do một nhà thầu thực hiện. Còn đối với các công trình phức tạp, có nhiều nhà thầu, hiện vẫn chưa có phương thức xác định rõ thời gian BHCT một cách hợp lý để xác định trách nhiệm sửa chữa hư hỏng của các nhà thầu. Mặt khác quy định về BHCT mới chỉ được thực hiện nghiêm túc tại các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, còn đối với các công trình sử dụng vốn khác việc BHCT ít được các chủ đầu tư quan tâm đưa vào hợp đồng, đa số chỉ dựa trên giao dịch miệng nên giá trị bảo đảm về mặt pháp lý không cao.
Không chỉ vậy, Nghị định số 46 cũng mới chỉ quy định yêu cầu tối thiểu đối với thời gian bảo hành cho các công trình xây dựng mà chưa có phương thức xác định thời gian bảo hành hợp lý cho từng gói thầu xây dựng, nhất là các gói thầu công trình đường giao thông, nhà ở chung cư hay các khu đô thị, dự án thực hiện trong nhiều năm. Đặc biệt khi sự cố xảy ra, công tác điều tra xác định nguyên nhân và trách nhiệm sửa chữa của từng nhà thầu trong thời gian bảo hành đối với các hạng mục rất khó khăn do thời gian xây dựng kéo dài. Theo cơ quan chuyên môn, tồn tại phổ biến nhất về BHCT là việc xác định nguyên nhân hư hỏng thường kéo dài, nhà thầu thường đùn đẩy trách nhiệm... Trong khi đó, các hư hỏng thường xuất hiện do 3 nguyên nhân như: thi công không đúng quy định, thiết kế không phù hợp, sử dụng sai thiết kế (chẳng hạn như quá tải) mà rất khó để xác định hư hỏng là do nguyên nhân nào.
Bên cạnh đó, thời gian bảo hành của các nhà thầu với công trình nhiều nhà thầu thường không trùng nhau. Nhiều nhà thầu thường chối bỏ BHCT khi có sự cố ở những dự án cũ do ngoài việc phát sinh chi phí và nhân lực để khắc phục sửa chữa, việc xác nhận lỗi cũng ảnh hưởng đến uy tín và việc dự thầu ở những công trình khác. Trong khi đó chủ đầu tư công trình, là người được giao trực tiếp quản lý và vận hành các công trình công cộng cũng không có động cơ để yêu cầu nhà thầu khắc phục các lỗi nếu nhà thầu không tự giác. Bởi công trình đã được chính chủ đầu tư nghiệm thu, do đó nếu yêu cầu nhà thầu sửa chữa chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng chẳng khác nào tự nhận là quyết định nghiệm thu, việc nghiệm thu là không chính xác. Việc xử lý sự cố công trình sẽ càng khó khăn hơn khi công trình đã hết hạn bảo hành vì khi đó nguyên nhân phải được các bên đánh giá chính xác để có cơ sở xác định nguồn vốn xử lý sự cố công trình. Nhà thầu thi công chỉ có trách nhiệm khắc phục hư hỏng khi chủ đầu tư và các bên liên quan hoặc một tổ chức độc lập khẳng định được lỗi đó thuộc về nhà thầu.
Nhằm khắc phục tồn tại trên, đảm bảo chất lượng công trình được ổn định xuyên suốt trong quá trình khai thác, vận hành sử dụng ngay cả khi hết thời hạn bảo hành, công tác giám sát, nghiệm thu công trình phải được quản lý chặt chẽ với đầy đủ hồ sơ, nhật ký thi công, hồ sơ hoàn công, hồ sơ quyết toán từng phần và hồ sơ hoàn thành BHCT giữa chủ đầu tư với các nhà thầu thi công nhằm xác định rõ trách nhiệm sửa chữa hư hỏng đối với các nhà thầu khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, người sử dụng công trình phải thường xuyên bảo trì công trình, có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng công trình hằng năm theo quy định hiện hành. Các chủ đầu tư cũng phải chủ động yêu cầu bảo lãnh BHCT trong hợp đồng xây dựng, tránh tình trạng nhà thầu bỏ bê công trình sau khi hoàn thành.
Hơn hết, Sở Xây dựng các địa phương nên tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định về hợp đồng xây dựng, bảo hành, bảo trì đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế và an toàn trong khai thác sử dụng cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát.