Công tác bình đẳng giới - giúp phụ nữ phấn đấu vươn lên trong gia đình và xã hội

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh được các cấp, ban ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan qua việc thực hiện đồng bộ các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, giúp phụ nữ phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình trong gia đình và xã hội.

Theo đó, thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động nữ được các ngành, các cấp trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Hoạt động đào tạo nghề được tổ chức linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm thông qua hỗ trợ vốn và mở rộng hợp tác với các đối tác để tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn. Kết quả trong năm 2019, toàn tỉnh đã đào tạo nghề gần 16.000 lao động, trong đó có trên 6.500 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 41%. Số người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 305 người, trong đó có 154 lao động nữ, tỷ lệ 50,49%. Chị Diệp Thị Thanh ngụ ấp Bưng Long, xã Long Phú (Long Phú) chia sẻ: “Qua các phong trào của Chi hội Phụ nữ ấp Bưng Long, nhiều chị em có đồng vốn chăn nuôi, từ đó thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định, tiếp tục giúp đỡ những hội viên còn khó khăn. Đó cũng là niềm vui, động lực để mọi người tiếp tục phấn đấu”.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với lao động nữ được đặc biệt quan tâm. Ảnh: KGT

Về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ bước đầu đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 2 nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đại biểu nữ tham gia HĐND các cấp là 655/3.458 người. Tham gia cấp ủy đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 7 nữ/54 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,96%; ban thường vụ có 1 nữ/15 đồng chí, chiếm tỷ lệ 6,25%. Cấp huyện, thị xã, thành phố có 67 nữ/461 đồng chí, chiếm tỷ lệ 14,53%; ban thường vụ có 17 nữ/126 đồng chí, chiếm tỷ lệ 13,49%. Cấp xã, phường, thị trấn có 312 nữ/1.621 đồng chí, chiếm tỷ lệ 19,25%; ban thường vụ có 62 nữ/531 đồng chí, chiếm tỷ lệ 11,68%. Công tác kết nạp đảng viên được các cấp ủy quan tâm thực hiện đúng quy trình, chú trọng chất lượng, đảm bảo chặt chẽ từ khâu quy hoạch tạo nguồn đến kết nạp.

Nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo được thực hiện nghiêm túc. Phụ nữ ngày càng được ưu tiên nhiều hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chị Dương Mộng Liên - Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Quân - Dân y Sóc Trăng) cho biết: “Mọi người trong cơ quan, đặc biệt chị em nữ cán bộ, viên chức bệnh viện luôn được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ qua các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn, giúp chị em có thêm động lực phấn đấu công tác tốt”. Song theo đó, các quyền bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ được quan tâm thực hiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Công tác phối hợp thực hiện các chiến dịch tuyên truyền vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em được quan tâm thực hiện.

Việc thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình trên cơ sở giới đạt nhiều kết quả thiết thực. Duy trì thí điểm mô hình quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Toàn tỉnh có 109/109 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 109 mô hình, 186 câu lạc bộ gia đình, 712 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 886 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 971 đường dây nóng. Chị Thạch Thị Phol Lay, ngụ xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Các chị, em ở địa phương mỗi khi có vấn đề gì trong đời sống gia đình đều tìm đến địa chỉ tin cậy để giãi bày, trợ giúp giữ gìn hạnh phúc gia đình, không để xảy ra gây gổ giữa vợ chồng, cũng như khuyên can những gia đình chưa đầm ấm. Nhiều ông chồng có thói quen bạo hành gia đình, sau khi được khuyên giải, tư vấn đã phần nào nhận ra trách nhiệm đối với gia đình. Nhiều trường hợp chồng nhậu say về đánh, chửi vợ, con nhưng nhìn chung hiện nay không còn nữa”.

Ngoài ra, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin cũng được đảm bảo thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới; sản xuất các sản phẩm văn hóa, thông tin; xóa bỏ các thông điệp và hình ảnh mang định kiến về giới.

Theo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh và huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Công tác phối hợp liên ngành, công tác truyền thông, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tổ chức chặt chẽ và thường xuyên. Công tác đào tạo, sắp xếp, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ đáp ứng từng giai đoạn phát triển. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành, địa phương đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nhất là sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày càng tăng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

H.P

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/cong-tac-binh-dang-gioi-giup-phu-nu-phan-dau-vuon-len-trong-gia-dinh-va-xa-hoi-36008.html