Công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội: Thực hiện đồng bộ, quyết liệt
Những năm gần đây, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật nhờ bám sát định hướng của Trung ương và sáng tạo vận dụng phù hợp tình hình thực tế của Thủ đô. Song, trước đòi hỏi ngày càng cao, công tác này cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: viết thành
Cách làm phù hợp thực tiễn
Trong nhiều năm, Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Thành phố luôn khuyến khích các đơn vị, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình cải cách thủ tục hành chính. Nhiều sáng kiến đã được công nhận, áp dụng vào thực tiễn hiệu quả.
Tiêu biểu phải kể đến là đề tài “Một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2015-2020 và kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú” của chị Nghiêm Thị Phương Chi, cán bộ UBND xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì); đề tài “Liên thông đăng ký khai tử, đăng ký xóa thường trú, chế độ tử tuất (trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất), hỗ trợ chi phí hỏa táng cho người mất” của chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ UBND phường Sài Đồng (quận Long Biên). Những sáng kiến này là một trong những cơ sở để UBND thành phố ban hành quyết định về quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính được các ngành, địa phương đẩy mạnh. Nhiều quận như: Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy… đã xây dựng mô hình “khu dân cư, tổ dân phố điện tử”, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần. Chị Nguyễn Thanh Vân (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi chỉ cần khai thông tin qua mạng internet là có thể nhận kết quả, gồm cả giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú của con”.
Theo Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng UBND thành phố) Nguyễn Thanh Nga, trong 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ, thành phố đã hoàn thành rà soát, đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính, ước tính chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân là trên 91 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, nhiều quyết định thực hiện liên thông thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân cũng được ban hành.
Đặc biệt, Hà Nội còn thực hiện tốt đề án về “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”. Theo Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hà Nội) Tạ Quang Ngải, chất lượng đội ngũ cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng về cơ bản đạt và vượt chuẩn, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Trao đổi thêm về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Nguyễn Giáp Dần cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ để phục vụ nhân dân tốt hơn”.
Cán bộ bộ phận “một cửa” Sở Nội vụ Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyễn Quang
Tiến hành đồng bộ, sáng tạo, vững chắc
Trong thời gian tới, công tác cải cách hành chính tiếp tục được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, thành phố phấn đấu cải thiện Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS), đặc biệt là trong năm 2020-2021.
Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) Bùi Đình Thái cho biết, điều quan trọng khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị là tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, thực hiện tốt hơn chức năng được giao trong bối cảnh không còn HĐND cấp phường… Nhìn nhận ở góc độ phát triển công nghệ thông tin, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Xuân Quang cho rằng, cần tạo điều kiện cho người dân thấy được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và công việc để tham gia xây dựng chính quyền đô thị, thành phố thông minh.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Võ Hải Long, để tiếp tục nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS, cần nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Ngoài ra, phải tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở thực hiện quyền giám sát đại diện cho nhân dân khi thực hiện chính quyền đô thị.
Còn Trưởng phòng Nội vụ huyện Đông Anh Nguyễn Văn Bằng cho hay, UBND huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS trên địa bàn, gắn với đề án vị trí việc làm của từng cá nhân trong bộ máy chính quyền.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, các giải pháp liên quan đến công tác cải cách hành chính giai đoạn 2020-2021 được tiến hành đồng bộ, sáng tạo, quyết liệt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô. Trong đó, thành phố tiếp tục thực hiện quan điểm người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp, đồng thời là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền.