Công tác chăm lo phúc lợi của công đoàn: Thành tựu và thách thức mới

Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của các cấp, các ngành, công tác này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, trước những biến động của tình hình kinh tế - xã hội, công tác chăm lo phúc lợi cũng đối mặt với nhiều thách thức mới.

Trong những năm qua, tổ chức công đoàn đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Có thể kể đến các mô hình như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn”,... Những hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui cho người lao động mà còn góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa công nhân, viên chức với tổ chức Công đoàn.

Đ/c Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm, động viên, tặng quà đoàn viên, người lao động Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Đ/c Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm, động viên, tặng quà đoàn viên, người lao động Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn như dịch Covid-19, tổ chức công đoàn đã thể hiện vai trò quan trọng khi kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân chính là do chưa có một chính sách chăm lo phúc lợi tổng thể, ổn định và dài hạn. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính còn hạn chế cũng là một trở ngại lớn.

Thời gian tới, nền kinh tế đất nước đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro; số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, làm thay đổi môi trường, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, trong đó có công tác chăm lo phúc lợi đoàn viên.

Sự xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Cùng với đó là mong muốn của đoàn viên, người lao động là ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc an toàn, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.

Mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng hệ thống phúc lợi đồng bộ, bền vững

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động ngày càng trở nên quan trọng. Nhận thức rõ vai trò của mình, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn tới.

Theo Nghị quyết mới ban hành, mục tiêu đến năm 2030 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là xây dựng một hệ thống chính sách chăm lo phúc lợi đồng bộ, ổn định và dài hạn. Điều này nhằm mục đích: Đảm bảo 100% đoàn viên được thông tin đầy đủ về các chính sách phúc lợi, được thăm hỏi, động viên khi gặp khó khăn và được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Tổ chức các hoạt động ý nghĩa như "Tết Sum vầy", "Tháng Công nhân", "Chợ Tết Công đoàn" để nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn để họ có đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo phúc lợi. Dành tối thiểu 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn cho hoạt động chăm lo phúc lợi. Tăng cường đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động để cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập.

Triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp

Ngoài nhiệm vụ về đẩy mạnh công tác truyền thông phục vụ hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động và tǎng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chǎm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, trong Nghị quyết, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tập trung triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm khác.

Một là, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến chǎm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Tập trung vào các nội dung như: Nhà ở, tiền lương, việc làm, thị trường lao động, thiết chế văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, đào tạo lại, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chính sách đối với lao động làm việc trong các ngành nghề công việc đặc thù, nặng nhọc, độc hại, lao động là nữ, trẻ em…

Hai là, bố trí nguồn lực đủ mạnh bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn tạo nguồn lực cho chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Tập trung nguồn lực tài chính, nhất là nguồn tài chính công đoàn tích lũy để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà khách, cơ sở giáo dục, đào tạo, vǎn phòng, trung tâm tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động, văn hóa, thể thao… của tổ chức công đoàn; thực hiện các chính sách chăm lo phúc lợi dài hạn.

Ba là, xây dựng, triển khai các chính sách ổn định, dài hạn chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, như chính sách hỗ trợ đoàn viên về nhà ở: hỗ trợ xây dựng, mua nhà, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ thuê nhà tại các thiết chế công đoàn và nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng.

Bốn là, triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Nghị quyết yêu cầu về tiếp tục đổi mới, đa dạng các hoạt động chăm lo phúc lợi như: Tết Sum vầy, Chợ Tết Công đoàn, Chuyến xe Công đoàn, Chuyến tàu Công đoàn, “Tấm vé nghĩa tình”…

Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động dành nguồn lực để chǎm lo cho đoàn viên, người lao động còn khó khǎn, các đối tượng lao động yếu thế, lao động trong ngành nghề công việc đặc thù, như: Lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nữ mang thai, có con dưới 6 tuổi, người khuyết tật, nguời cao tuổi, trẻ em; quan tâm chăm lo cho cha, mẹ, vợ chồng, con đoàn viên, người lao động.

Thí điểm, nhân rộng các mô hình chăm lo hiệu quả, thiết thực như “Bữa cơm Công đoàn”, “Ki ốt Công đoàn”, “Điểm bán hàng Công đoàn”, “Điểm khám bệnh Công đoàn”, “Tủ sách pháp luật khu nhà trọ”, “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”, “Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân đoàn viên”..

Với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và hệ thống các giải pháp đã đề ra, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt kỳ vọng vào tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách, nguồn lực của tổ chức công đoàn chǎm lo phúc lợi được xây dựng, phát triển toàn diện, bao phủ 100% đoàn viên, đáp ứng phần lớn các nhu cầu cơ bản của đoàn viên, người lao động, trở thành một phần của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện theo định hướng, mục tiêu, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Vân Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-tac-cham-lo-phuc-loi-cua-cong-doan-thanh-tuu-va-thach-thuc-moi-346708.html