Công tác chuẩn bị đầu tư dự án nhiều hạn chế
Công tác chuẩn bị đầu tư dự án hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí tăng vốn hàng ngàn tỷ đồng... Nhiều bất cập đã được thẳng thắn chỉ rõ trong báo cáo kết quả giám sát về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia.
Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét sáng 22-4.
Theo báo cáo tóm tắt do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, một số dự án quan trọng quốc gia còn những vướng mắc nhất định.
Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư của toàn bộ dự án này (5.000ha) vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án thành phần khác. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa chỉ đạo việc triển khai thực hiện việc khai thác tạm thời đất giai đoạn 2.
Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có 8/11 dự án thành phần bị kéo dài thời gian thực hiện so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội (trong đó đoạn chậm ít nhất là 12 tháng, có những đoạn chậm gần 29 tháng).
Đối với 5 dự án còn lại, kết quả giám sát cho thấy, việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư (khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư), thực hiện đầu tư (khảo sát, thiết kế, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán; lựa chọn nhà thầu, tổ chức triển khai thi công) chậm so với các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ. Các địa phương đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng, đáp ứng yêu cầu khởi công dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bàn giao 100% diện tích GPMB.
Đáng lưu ý, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư khá lớn, hàng ngàn tỷ đồng, so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết định như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1…
“Một số dự án thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, công suất khai thác chưa đáp ứng; đặc biệt là các dự án tại vùng ĐBSCL. Công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, nhất là khai thác vật liệu xây dựng tại các địa phương có các công trình trọng điểm còn nhiều bất cập. Tại một số địa phương có xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung vật liệu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia để khai thác trái phép khoáng sản (cát, sỏi, đất, đá…) làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết.
Công tác chuẩn bị đầu tư dự án hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện. Một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập nên khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.
Quá trình đưa vào vận hành, khai thác với một số dự án cũng còn bất cập như các dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn chưa được tổ chức thu phí; chưa đầu tư đồng bộ hệ thống trạm dừng nghỉ, giao thông thông minh (ITS), gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác, bảo trì, tổ chức, điều tiết giao thông và gây khó khăn cho các đối tượng tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-tac-chuan-bi-dau-tu-du-an-nhieu-han-che-post736468.html