Công tác đặc xá phải đảm bảo đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót và tiêu cực
Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2021 sáng nay (10/7), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chặt chẽ, khach quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, tiêu cực.
Góp phần thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, công tác đặc xá là sự thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội.
Mặc dù số lượng người được đặc xá lớn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn được đảm bảo, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên. Đáng nói, phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cứ trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỉ lệ người đặc xá tái phạm tội tương đối thấp (trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, có 1.024 người trong tổng số 87/111 người được đặc xá vi phạm pháp luật, tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 1,18%).
Ngoài ra, công tác đặc xá những năm qua đã góp phần thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.
Từ năm 2009 đến 2016, thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá (riêng năm 2009 có 2 đợt) nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá 87.111 người (trong đó, có 85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù).
Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá 2007, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, nhất là những bất cập giữa một số quy định của Luật Đặc xá năm 2007 với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau này. Từ thực tế đó, ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đặc xá năm 2018, thay thế Luật Đặc xá năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Từ khi Luật có hiệu lực đến nay, Nhà nước ta chưa thực hiện đợt đặc xá nào, mà chỉ có 1 phạm nhân được đặc xá trong trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chặt chẽ
Năm 2021 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc ta và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định về đặc xá năm 2021 nhân dịp kỉ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9, đồng thời Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2021, gồm 10 thành viên và lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho biết, năm 2020, tình hình phạm tội tuy giảm về số vụ nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, một số loại tội phạm như ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm…vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có loại tội phạm còn gia tăng. Do đó, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quyết định đặc xá năm 2021 được ban hành vừa phải đảm bảo quy định của Luật Đặc xá nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, tiêu cực.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Công an, cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn đặc xá trung ương thực hiện nghiêm quy định của Luật Đặc xá, Quyết định của Chủ tịch nước. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành, sớm ban hành kế hoạch công tác của Hội đồng Tư vấn đặc xá và chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện đặc xá; đôn đốc hướng dẫn các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, đối với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xét các trường hợp đặc xá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng. TAND Tối cao có trách nhiệm hướng dẫn TAND các cấp và Tòa án quân sự các cấp thực hiện đặc xá cho người đủ điều kiện. Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin để mọi người dân, phạm nhân hiểu rõ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá; bảo vệ quyền, lợi ích của người được đặc xá; đối chiếu giám sát hoạt động của cơ quan chức năng trong thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá.