Công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, công tác dân số trước đây chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình thì nay nảy sinh nhiều vấn đề như cơ cấu, mức sinh và chênh lệch giới tính khi sinh...
Cần đưa hành vi lạm dụng sàng lọc giới tính vào luật
Theo Bộ Y tế, thời gian qua công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Theo đó, quy mô dân số nước ta khoảng gần 96,5 triệu người (2019). Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Tỷ lệ tăng dân số 10 năm qua trong khoảng 1,05%-1,15%/năm. Mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi (năm 2019). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện, dịch vụ dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được mở rộng, chất lượng ngày càng cao…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể trước đây, chỉ tập trung giải quyết vấn đề KHHGĐ thì nay công tác dân số phải đẩy mạnh triển khai toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số. Trong khi đó, mức sinh giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố chênh lệch đáng kể. Thậm chí, có những nơi mức sinh đã xuống thấp như vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, còn các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh còn rất cao. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra ở mức nghiêm trọng, tốc độ già hóa dân số nhanh, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao.
PGS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, cho rằng, ở các nước tiên tiến hiện nay thường dành một khoản tiền đầu tư cho sức khỏe sinh sản để tạo ra chất lượng dân số tốt. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề môi trường và dự phòng chưa tốt nên người dân, nhất là phụ nữ, phải đối mặt với nhiều bệnh lý như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, trong khi 2 căn bệnh này lại hoàn toàn có thể dự phòng được.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, đến nay, BV Phụ sản Hà Nội đã can thiệp được cả bào thai để cho ra đời đứa trẻ tốt hơn. Theo đó, các cặp vợ chồng có thể sàng lọc để biết họ có mang gene bệnh trong người hay không, từ đó tư vấn khi mang thai. Nếu có thai rồi thì có thể kiểm tra được các bào thai, nếu có dị tật thì tư vấn để đình chỉ thai nghén. Do đó, PGS Nguyễn Duy Ánh mong muốn Chính phủ, Quốc hội coi việc sàng lọc bào thai, sàng lọc sơ sinh và những bệnh lý cơ bản nên đưa vào nội dung bao phủ trong chương trình của bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, với những trường hợp lạm dụng sàng lọc để sàng lọc giới tính, sàng lọc về phôi cần đưa vào luật để khống chế việc mất cân bằng giới tính.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số
Còn theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân), với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay thì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, giải pháp mấu chốt nhất là sự thay đổi nhận thức.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng, điều này cũng không dễ thực hiện. Do đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp với tình hình mới để thay đổi nhận thức của người dân. GS Nguyễn Đình Cử đề xuất đưa thêm chính sách khuyến khích khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bởi mỗi năm cả nước có khoảng 1,4 triệu người kết hôn và 1,6 triệu ca sinh.
Nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân cho hàng triệu người, tầm soát trước sinh cho hàng triệu trường hợp được triển khai sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam (26/12) năm nay có chủ đề: "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững". Phát biểu tại hội thảo về Dân số và phát triển hưởng ứng Ngày dân số Việt Nam (26/12) do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực của ngành dân số trong thời gian qua. Để nâng cao chất lượng dân số, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị trong toàn ngành tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp về công tác dân số và phát triển. Bộ Y tế cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời để công tác dân số triển khai đạt mục tiêu các nội dung mới, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.