Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình không ngừng phát triển

Sàng lọc trước sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái thành lập. Cùng với việc thành lập các đơn vị hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh, tháng 12/1989, UBND tỉnh có quyết định thành lập Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh. Sau đó ủy ban DS-KHHGĐ cấp huyện cũng được thành lập.

Năm 2002, tỉnh sáp nhập Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Tháng 4/2008, thực hiện Nghị định 13 và Nghị định 14 của Chính phủ, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em giải thể, chia tách. Theo đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số được chuyển về ngành Y tế; ngày 23/5/2008, Chi cục DS-KHHGĐ được thành lập và trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ.

Đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên (CTV) DS-KHHGĐ cơ sở được thành lập từ năm 1993. Năm đầu triển khai 30% số xã, năm 1994 triển khai thêm 30% xã và đến năm 1995, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hiện nay, Phú Yên có 110 cán bộ DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn và 1.650 CTV dân số.

Chất lượng dân số được cải thiện

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Cụ thể là quy mô dân số ổn định, giảm nhanh tỉ suất sinh thô, đạt mức sinh thay thế vào năm 2009. Cơ cấu dân số đang trong giai đoạn bước vào cơ cấu dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện.

Tuổi thọ trung bình tăng (năm 2010 là 70,1 tuổi, năm 2017 là 73,5 tuổi). Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cân nặng/tuổi dưới 5 tuổi giảm (năm 2010 là 18,6%, năm 2017 là 13,6%) và tỉ lệ tử vong bà mẹ giảm (năm 2010 là 70/100.000 trẻ sinh ra sống, năm 2017 là 56,3/100.000 trẻ sinh ra sống). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác DS-KHHGĐ của các cấp, ngành và toàn dân được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

32 năm, từ khi tái lập tỉnh , một chặng đường chưa phải là quá dài, nhưng có thể nói công tác DS-KHHGĐ Phú Yên đã không ngừng phát triển. Tỉnh đã thực hiện thành công việc giảm mức sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; đồng thời duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô và cơ cấu dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Trong 32 năm qua, dù có thay đổi nhiều về tổ chức, nhưng với sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với một hệ thống giải pháp cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong tỉnh đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tỉ suất sinh từ 36,9‰ năm 1989 đã giảm xuống còn 14,65‰ năm 2020. Tương ứng, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ hơn 4 con xuống còn 2,09 con (năm 2020), là 1 trong 9 tỉnh đạt được mức sinh thay thế trên cả nước.

Tỉ suất sinh giảm, tuổi thọ ngày càng tăng làm cho tuổi thọ trung bình tỉnh ta tăng lên rõ rệt. Cách đây 32 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Phú Yên chỉ đạt 60 tuổi thì hiện nay đã tăng lên 73,5 tuổi. Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh một số kết quả nói trên, công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Sau tổng điều tra năm 2009, tỉnh ta đã đạt mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,96 con nhưng chỉ số này tăng dần qua các năm, cho thấy mức sinh chưa thực sự ổn định.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (109 bé trai/100 bé gái). Chưa khai thác, phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và chưa có giải pháp thích ứng với già hóa dân số. Chất lượng dân số, tầm vóc, thể lực được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, phá thai không an toàn ở độ tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Tình trạng tảo hôn còn nhiều. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở các khu công nghiệp còn hạn chế.

Ngày 25/10/2017, tại Kỳ họp thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Thực hiện nghị quyết này, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 60-KH/TU ngày 11/4/2018; UBND tỉnh đã triển khai các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy trong Kế hoạch 120/KH-UBND ngày 18/5/2018, với mục tiêu chính: Triển khai toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý.

LÊ BI

Trưởng Phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/268775/cong-tac-dan-so-ke-hoach-hoa-gia-dinh-khong-ngung-phat-trien.html