Công tác dân tộc trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phúc Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Dân tộc Hà Nội được tổ chức ngày 3-7 vừa qua.

Theo Phó trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải, trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả theo kế hoạch; công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững được đặc biệt quan tâm, chú trọng thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn được cải thiện; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm gìn giữ và phát huy. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi của TP được duy trì ổn định.

 Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội: “Đến thời điểm này, toàn TP có 7/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới”. Ảnh: Văn Biên

Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội: “Đến thời điểm này, toàn TP có 7/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới”. Ảnh: Văn Biên

Ba Vì là một trong những địa phương luôn quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Theo đó, huyện đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế-xã hội 7 xã miền núi qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ; năm 2018 thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,69%; có 55,84% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, số hộ gia đình văn hóa đạt 86,1%; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được xây dựng.

“Nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc nên đời sống của đồng bào DTTS các xã vùng dân tộc miền núi của huyện Ba Vì ngày càng được cải thiện rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác giáo dục - đào tạo cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm và có bước phát triển tích cực”, ông Đinh Công Sử, Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết,

An Phú là xã dân tộc miền núi của huyện Mỹ Đức, có 13 thôn, tổng dân số là 8.841 người trong đó có 5.579 người là DTTS, chủ yếu là dân tộc Mường chiếm 63%. Các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi của huyện chỉ tập trung vào xã An Phú.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 29%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 23 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,9% (theo tiêu chí nghèo mới); đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đạt 100% tiêu chí quốc gia về y tế; 92% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa; 40% hệ thống thủy lợi, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp được cứng hóa; 100% thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng; 89,5% số hộ đạt gia đình văn hóa; 10/13 thôn được công nhận làng văn hóa...

“Nhờ thực hiện tốt các chương trình, dự án chính sách dân tộc, tình hình kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Lĩnh vực giáo dục cũng được nâng lên, văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy”, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho hay.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã tổ chức thăm hỏi, tặng 100 suất quà trị giá 500.000 đồng/người cho người có uy tín, hộ dân tộc thiểu số chính sách, hộ dân tộc thiếu số nghèo tại 5 huyện vùng đồng bào DTTS của TP. UBND các huyện đã triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đảm bảo đầy đủ, kịp thời đúng quy định.

Tổ chức cho đoàn người có uy tín tiêu biểu đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, Ban Dân tộc TP Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Hà Nội cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi TP là 14,8 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm, Ban Dân tộc TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ như: Kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc tiêu biểu. Tổ chức chương trình khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho đồng bào; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín; triển khai các hoạt động phối hợp; tăng cường công tác cải cách hành chính...

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-tac-dan-toc-tren-dia-ban-duoc-thuc-hien-nghiem-tuc-day-du-kip-thoi-154452.html