Công tác dân vận vùng biên giới Nậm Pồ
ĐBP - Những năm qua, công tác dân vận ở Nậm Pồ đã đạt những kết quả nhất định; tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Toàn huyện đã xây dựng được 909 mô hình 'Dân vận khéo'... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì hiện nay, công tác dân vận ở vùng biên giới này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...
Huyện Nậm Pồ có 8 xã biên giới tiếp giáp nước bạn Lào với tổng số 129km đường biên. Hàng năm cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được huyện Nậm Pồ đẩy mạnh triển khai, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Với cách làm này đã có nhiều mô hình hay, hiệu quả được nhân rộng và hiện toàn huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chà Nưa), 1 xã đạt 15 tiêu chí, 3 xã đạt 9 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5 - 8 tiêu chí; có 42 bản đạt chuẩn bản văn hóa, 3.676 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa…
Theo ông Thùng Văn Thân, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nậm Pồ, những khó khăn, thách thức đối với công tác dân vận khu vực biên giới Nậm Pồ hiện nay là: Trình độ sản xuất của nhân dân vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu; nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc di dịch cư, tranh chấp đất đai, xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra. Thiên tai, dịch bệnh làm cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã khó khăn, càng khó khăn hơn. Tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm trên 60%); tình trạng lao động người dân tộc thiểu số qua biên giới làm thuê; mua bán các chất ma túy diễn biến phức tạp. Tà đạo “Giê sùa” xuất hiện, cùng với hoạt động truyền đạo trái pháp luật, làm mất ổn định về an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Trước thực tế này, Nậm Pồ đã đẩy mạnh tuyên truyền; chủ động nắm bắt tình hình, tư tưởng, những khó khăn vướng mắc của người dân để giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Ðồng thời, thành lập các tổ tự quản, hộ gia đình tự quản khu vực biên giới; khuyến khích, vận động người dân bảo vệ đường biên mốc giới, tố giác tội phạm… Ghi nhận tại cơ sở, đã có nhiều cán bộ dân vận nhanh nhạy, nắm bắt tình hình, kịp thời có những hoạt động tuyên truyền phù hợp với tình hình địa phương mình. Từ đó xuất hiện nhiều địa phương có cách làm hay, mô hình tiêu biểu trong công tác dân vận, như: Chà Nưa, Phìn Hồ…
Phìn Hồ một trong những xã biên giới làm tốt công tác dân vận, đồng chí Vàng A Kỷ, Bí thư Ðảng ủy xã cho biết: Xã có hơn 6km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, thuộc 3 bản (Ðề Pua, Mảy Hóc, Mo Công). Thời gian qua khu vực biên giới vẫn xảy ra tình trạng vượt biên đi làm ăn xa, mua bán trái phép chất ma túy, truyền đạo trái phép… Ðể khắc phục tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã đã cùng với Khối dân vận, MTTQ, đoàn thể phối hợp với già làng, trưởng bản, người uy tín, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động người dân không tin, không nghe theo lời kẻ xấu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sang giống mới cho năng suất cao; thành lập các tổ tự quản, hộ gia đình tự quản khu vực biên giới. Ðến nay, toàn xã đã thành lập được 1 tổ tự quản khu vực biên giới (bản Mo Công), 8 hộ gia đình tự quản khu vực biên giới tại bản Ðề Pua. Cũng nhờ mô hình tổ, hộ gia đình tự quản khu vực biên giới mà tình hình xâm canh, xâm cư khu vực biên giới giảm hẳn. Tháng 9/2019, từ nguồn tin báo của tổ tự quản, Công an xã đã cùng với Ðồn Biên phòng Si Pha Phìn bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển trái phép 1,5 bánh hêrôin từ bên kia biên giới về Việt Nam.