Công tác đối ngoại đa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực
Ngày 23-11, trong khuôn khổ các hoạt động tiến tới Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Phiên thảo luận 'Đối ngoại đa phương: Tăng cường sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT)'.
Phiên họp do Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang chủ trì. Cùng dự có Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và sự tham gia trao đổi của các nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu, bao gồm Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại New York, Geneva, Jakarta, Bangkok cùng gần 50 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (dự trực tuyến), các chuyên gia, đại diện Bộ, ngành tham gia công tác đối ngoại đa phương như Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chuyên môn của Bộ Ngoại giao.
Trên tinh thần quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại” và triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Phiên thảo luận là dịp để Bộ Ngoại giao và các cơ quan, Bộ, ngành cùng nhìn nhận, đánh giá công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất định hướng triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực ANPTT.
Phiên họp đặc biệt thảo luận toàn diện và thực chất, tập trung nhận diện thực trạng và tác động của các thách thức ANPTT hiện nay trên bình diện quốc tế, khu vực và quốc gia, đồng thời thảo luận các chính sách, biện pháp để nâng cao vai trò, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong ứng phó với các thách thức ANPTT.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đánh giá thời gian qua, công tác đối ngoại đa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, chủ trì thành công Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41, có nhiều đóng góp chủ động, tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực lớn như Phong trào Không liên kết, tổ chức Pháp ngữ, APEC, ASEM, Ủy hội sông Mê Công…, ứng cử thành công vào nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, đồng thời hiện đang tích cực ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Thứ trưởng khẳng định những kết quả đó đạt được là nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo Cấp cao cũng như nỗ lực triển khai, đóng góp hiệu quả và tích cực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Đánh giá về những thách thức ANPTT hiện nay, Thứ trưởng cho rằng các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đang ngày càng nổi lên gay gắt trên toàn cầu, tác động sâu sắc đến môi trường phát triển, an ninh của đất nước, đặt ra yêu cầu và đòi hỏi khách quan phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương nhằm góp phần thực hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 3 tiếng thảo luận sôi nổi, cuộc họp đã thống nhất một số biện pháp lớn để thúc đẩy công tác đối ngoại đa phương nói chung và trong ứng phó với các vấn đề ANPTT nói riêng, bao gồm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tích cực đề xuất các sáng kiến, ý tưởng tại các diễn đàn đa phương, từng bước vươn lên đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt”, “định hình luật chơi” khi điều kiện cho phép;
Tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ban, ngành, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tận dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường sự tham gia của Việt Nam tại các cơ chế đa phương trong thời gian tới.