Công tác giáo dục ở vùng khó khăn: Hướng đến chuẩn hóa, hiện đại

Chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, tỉnh Bắc Giang chú trọng dành nguồn lực cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học cho các vùng khó khăn.

Nỗ lực để trường lớp khang trang

Bằng nhiều nguồn lực, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung cải tạo, sửa chữa, xây mới trường lớp, mua sắm trang thiết bị bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Thời điểm này, toàn tỉnh đang thực hiện nhiều dự án xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình trường học ở các khu vực miền núi, vùng khó khăn với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.

 Công trình Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dương Hưu (Sơn Động).

Công trình Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dương Hưu (Sơn Động).

Từ một địa phương có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường, lớp học, những năm gần đây huyện Lục Ngạn quyết tâm dồn sức xóa phòng học tạm, học nhờ, phòng học chật hẹp, xuống cấp. Nhờ ưu tiên nguồn lực, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã được cải tạo, nâng cấp. Thời điểm này, công trình Trường Mầm non Kiên Lao đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong năm học mới. Trường được xây dựng với 2 tòa nhà gồm: Tòa lớp học 3 tầng và tòa hiệu bộ 2 tầng với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Đại Phúc (đơn vị thi công), công ty đang huy động nhân lực liên tục làm việc kể cả ngày nghỉ để sớm hoàn thành công trình. Cô giáo Phạm Thị Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ: "Những năm học trước, nhà trường thiếu nhiều phòng học, khuôn viên chật chội. Trường mới được xây dựng tại khu đất rộng hơn, đáp ứng nhu cầu học tập của 500 học sinh. Trong đó có đủ phòng học để huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp, đủ cơ sở vật chất hiện đại để đón học sinh đang học tại khu lẻ ở thôn Lóng ra khu trường chính trong năm học 2024-2025”.

Cùng thời gian này, ở các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh còn có nhiều công trình, dự án xây dựng trường, lớp mới. Nổi bật như các Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dương Hưu, THCS An Lạc, Mầm non Tuấn Đạo, Mầm non An Bá (Sơn Động); Tiểu học và THCS Bình Sơn (Lục Nam); Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn. Điểm nhấn nổi bật trên các công trình đó là thiết kế xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bám sát tiêu chí trường chuẩn quốc gia do Bộ GD&ĐT quy định. Năm học 2024-2025, toàn tỉnh dự kiến đưa vào sử dụng gần 200 phòng học, phòng chức năng mới ở các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế. Tranh thủ thời gian học sinh nghỉ hè, các đơn vị thi công huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao công trình.

Ưu tiên đầu tư

Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học ở Bắc Giang đạt 96,5%, xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 95%, mức độ 2 đạt 25,9%, cao hơn so với bình quân toàn quốc. Nhờ tập trung cao xây dựng các tiêu chí trường chuẩn nên nhiều công trình lớp học, trang thiết bị được các địa phương đầu tư mới, đáp ứng việc tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dự kiến giai đoạn 2024 - 2025, toàn tỉnh xây dựng 1.760 phòng học, gần 1,1 nghìn phòng chức năng, 89 nhà đa năng phục vụ hoạt động dạy và học bảo đảm các nhà trường đều có đủ 1 phòng học/1 lớp, xóa toàn bộ phòng học xuống cấp, phòng học nhờ.

Dự kiến trong giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng 1.760 phòng học, gần 1,1 nghìn phòng chức năng, 89 nhà đa năng phục vụ hoạt động dạy và học bảo đảm các nhà trường đều có đủ 1 phòng học/1 lớp, xóa toàn bộ phòng học xuống cấp, phòng học nhờ. Trong thiết kế, những trường xây dựng mới sẽ tích hợp hạ tầng lắp đặt trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại như máy chiếu, ti vi, bảng điện tử, hệ thống loa truyền thanh, ánh sáng mang lại không gian học tập hiện đại, thân thiện, tạo thuận lợi cho thầy và trò.

Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng cơ sở vật chất trường lớp ở một số khu vực miền núi vẫn còn khó khăn. Nhiều nơi địa hình chia cắt trong những ngày mưa lũ, học sinh không thể đến trường. Cơ sở vật chất ở một số trường miền núi, vùng khó khăn mới chỉ đáp ứng việc dạy và học ở mức tối thiểu, còn tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, thiết bị giảng dạy, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở xa... Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, để tháo gỡ khó khăn, những năm qua, Sở đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học.

Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, kịp thời đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp kế hoạch sử dụng đất và dự báo quy mô dân số. Thực hiện kế hoạch số 33 ngày 24/5/2024 của UBND tỉnh về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập giai đoạn 2024-2030, thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Các trường chưa bảo đảm diện tích sẽ đề xuất mở rộng hoặc chuyển địa điểm để địa phương đầu tư theo hướng trọng điểm, đồng bộ, hiện đại. Các xã, phường, thị trấn quan tâm giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để nâng cấp, mở rộng thêm trường lớp phục vụ nhu cầu học tập đến năm 2030.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cong-tac-giao-duc-o-vung-kho-khan-huong-den-chuan-hoa-hien-dai-161025.bbg