Công tác hoàn thiện thể chế: Phát huy vai trò hạt nhân của Bộ Tư pháp
Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành thời gian qua đã được triển khai một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế và phát triển đội ngũ làm công tác pháp chế.
Là một trong những lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đánh giá về vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận định: các luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành đều có sự đóng góp trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và tận tụy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác tại Bộ, ngành Tư pháp và cán bộ pháp chế các Bộ, ngành. Điều này thể hiện từ việc đề xuất đưa dự án vào Chương trình, các khâu soạn thảo, thẩm định, tham gia thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện văn bản nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất đồng bộ, tính khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, là cơ sở để bảo đảm sự vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: những năm qua, Bộ Tư pháp đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác định hướng, điều phối, thẩm định các chương trình, dự án xây dựng luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành. Từ đó góp phần tạo ra một làn sóng cải cách mạnh mẽ, mang đậm dấu ấn của nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua đó là việc xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con vào năm 2016; đơn giản hóa và cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành đạt tỷ lệ 50-60% vào năm 2018 và hiện nay là đợt ra quân tổng rà xét các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật Việt Nam mà Bộ Tư pháp giữ vai trò là Tổ trưởng.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã phát huy được vai trò và tính tiên phong trong việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công và tiêu biểu là dịch vụ công chứng và Thừa phát lại. Bộ Tư pháp cũng có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và được coi là một trong 4 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả nhất hiện nay.
Nhấn mạnh tới vai trò của công tác pháp chế đối với sự phát triển của các ngành, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng sự đồng hành của bà con nông dân các ngành hàng về nông nghiệp, Vụ pháp chế cùng các đơn vị liên quan đã tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ xây dựng một hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh. Qua đó góp phần đảm bảo cho việc thực thi pháp luật trong ngành.
Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ về mặt nghiệp vụ và phối hợp trong công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp thông qua nhiều hình thức đa dạng như: tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo; chương trình “Làm bạn với nhà nông”; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa…đã giúp bà con nông dân tiếp cận các quy định pháp luật một cách hiệu quả hơn. Có thể nói, công tác pháp chế đã đồng hành cùng bà con và gắn với sự phát triển của hàng chục triệu hộ nông dân trong thời gian vừa qua.