CÔNG TÁC LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội

Đánh giá về công tác lập pháp của Quốc hội, trong Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội gửi đến các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ một trong những kết quả hoạt động chủ yếu của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV: Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.

Khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội trong xây dựng, hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tính đến đầu Kỳ họp thứ 11, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 02 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật như các luật về tổ chức bộ máy: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;…; các luật về thể chế kinh tế thị trường: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng;...; các luật về công chức, công vụ như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;…

Có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng,…tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế; cụ thể hóa và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền của đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế.

Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội hoặc giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn như nghị quyết về: tổ chức chính quyền đô thị, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh; thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội; thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng; thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…Ngoài ra còn có Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong việc giải quyết “điểm nghẽn” về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Quốc hội đã phê chuẩn nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh, hiệu quả hơn của đất nước; phê chuẩn các điều ước quốc tế quan trọng, trong đó có các nội dung liên quan đến biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh của nước ta; xem xét, thông qua nhiều luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.

Chú trọng việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật

Trong quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng, đề cao trách nhiệm ngay từ khâu lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thẩm tra đến tiếp thu, chỉnh lý các dự án, dự thảo, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các quy định, hướng dẫn về kỹ thuật lập pháp để áp dụng thống nhất, bảo đảm tính nhất quán của văn bản. Kỹ thuật một luật sửa nhiều luật đã góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tiết kiệm, bảo đảm tính đồng bộ, hạn chế mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cụ thể là:

Một là, đổi mới cơ bản việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, không ban hành Chương trình cả nhiệm kỳ, tập trung xây dựng Chương trình hằng năm, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng của đất nước. Đồng thời, yêu cầu đối với việc lập Chương trình chặt chẽ hơn, việc xem xét, đánh giá các dự án cũng được thực hiện một cách thận trọng, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát hơn với yêu cầu của thực tế, tăng tính hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm trong từng công đoạn của quy trình ban hành văn bản.

Hai là, đổi mới một cách cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo; tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản; huy động trí tuệ của xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật. Qua đó, công tác soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh tiếp tục được nâng lên rõ rệt cả chất lượng và số lượng. Vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh ngay từ khi đưa vào Chương trình và trong suốt quá trình xây dựng, soạn thảo và thông qua ngày càng được phát huy. Việc thẩm tra được các cơ quan của Quốc hội tiến hành tích cực, khẩn trương, kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn lập đề nghị, qua đó góp phần hoàn thiện chính sách trước khi bắt đầu giai đoạn soạn thảo. Báo cáo thẩm tra nhìn chung ngày càng có chất lượng hơn, thể hiện rõ chính kiến, có tính phản biện cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn, là cơ sở quan trọng để Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết thông qua các dự án, dự thảo.

Ba là, việc chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao. Điểm mới nổi bật trong nhiệm kỳ là sau mỗi phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có thông báo kết luận về các nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau trong từng dự án, dự thảo, làm cơ sở, định hướng để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoặc có báo cáo giải trình bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các đại biểu trong việc góp ý kiến đối với những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bốn là, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thảo luận đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, bảo đảm đúng quy trình, có chất lượng, tiết kiệm thời gian. Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều hình thức thảo luận, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia và cá nhân ở địa phương vào các dự án, dự thảo. Các vị đại biểu Quốc hội cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, tích cực đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng văn bản ban hành; thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với những dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu.

Để tiếp tục thực hiện đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng pháp luật có trường hợp chưa nghiêm ảnh hưởng đến chất lượng văn bản

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều, trong đó có không ít dự án được bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho việc thẩm tra, xem xét, quyết định; vẫn còn tình trạng lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình. Việc lấy ý kiến về dự án có một số trường hợp còn hình thức, thời gian dành cho lấy ý kiến ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; một số dự án có nội dung đánh giá tác động chưa sâu, chưa bảo đảm chất lượng, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động, chưa dự kiến được nguồn lực bảo đảm.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được xác định: một mặt do đất nước đang trong quá trình phát triển, mặt khác tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, khó đoán định, dẫn đến việc chưa dự liệu đầy đủ, toàn diện.

Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nhiều trường hợp chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: chưa chú trọng công tác tổng kết, đánh giá tác động của chính sách, rà soát hệ thống pháp luật cũng như việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động của chính sách theo quy định, chưa trù liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi dự án luật đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng pháp luật có trường hợp chưa nghiêm, chưa có đầy đủ các chế tài trong việc xử lý đối với trường hợp không tuân thủ quy trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế rõ ràng, phù hợp để phát huy một cách thiết thực, hiệu quả trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như thu thập, xử lý đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật.

Cần tiếp tục nâng cao năng lực xây dựng pháp luật

Trên cơ sở kết quả hoạt động cùng những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập pháp, nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các đạo luật. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, theo sát cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng các dự án, dự thảo. Kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn.

Nâng cao trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra, phối hợp thẩm tra; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật. Cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng việc lồng ghép các nội dung mang tính quy phạm trong nghị quyết kỳ họp và chỉ thực hiện trong những trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các cơ quan của Quốc hội chú trọng việc trình Quốc hội biểu quyết những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo tại kỳ họp cho ý kiến.

Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm thực hiện tốt các quyền của cơ quan, tổ chức, người dân. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội quan tâm thực hiện việc trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; đại biểu Quốc hội tăng cường thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh và quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội. Phát huy hiệu quả vai trò của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, sự tham gia của chuyên gia và Nhân dân vào hoạt động lập pháp. Tiếp tục tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho đại biểu Quốc hội. Hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại tổ và hội trường về các nội dung này trước khi thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=53545