Công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng - Nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cấp bách và lâu dài
Hôm qua (17/8), Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về 'Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng' (Chỉ thị 20-CT/TW).
Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
Phát biểu định hướng Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trải qua chặng đường vẻ vang hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, lịch sử dân tộc đã ghi dấu, in đậm quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì quyền làm chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Truyền thống cách mạng đó cần được tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng và toàn xã hội để cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc. Từ đó, không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc học tập, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc.
Từ những kết quả, thành tựu và hạn chế, bất cập nêu trong báo cáo sơ kết 5 năm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị đại biểu dự Hội nghị tiếp tục phân tích, làm sâu sắc hơn những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi... Trong đó cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW; ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa...
Phải thực sự trở thành “pho lịch sử bằng vàng”
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ về định hướng nhiệm vụ thời gian tới. Theo đó, đề nghị các cấp ủy đảng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; coi đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trọng tâm, cấp bách và lâu dài…
Thường trực cấp ủy các cấp phải coi công tác lịch sử Đảng là một nhiệm vụ chính trị, đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của cấp ủy nhằm tạo sự chuyển biến rõ hơn về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Cấp ủy đảng mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cần chỉ đạo xây dựng đề án riêng về công tác này, nhằm tạo ra bước đột phá, có tính bài bản, hệ thống… góp phần làm cho lịch sử Đảng thực sự trở thành “pho lịch sử bằng vàng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy và “thấm sâu vào tâm trí cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ” như Chỉ thị 20-CT/TW đã chỉ rõ.
Cùng với đó, tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu lịch sử Đảng phục vụ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả các quan điểm sai trái, những luận điệu phản động của các thế lực thù địch...