Công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền lịch sử truyền thống cách mạng ở Xuân Trường

Cùng với việc tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Huyện ủy Xuân Trường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng, giới thiệu lịch sử Đảng bộ địa phương tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng chí Ngô Ngọc Vũ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Trường công bố và phát hành cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường giai đoạn 1930-2023”.

Đồng chí Ngô Ngọc Vũ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Trường công bố và phát hành cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường giai đoạn 1930-2023”.

Cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường (1930-2023)” được xuất bản tháng 8/2024, gồm 9 chương với gần 600 trang. Nội dung cuốn sách đã khái quát tương đối đầy đủ, toàn diện, sinh động quá trình xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện Xuân Trường trong suốt 93 năm (1930-2023). Trong đó, tập trung làm nổi bật nhiều phong trào cách mạng, nhiều sự kiện mang tính chất bước ngoặt, để lại những dấu ấn quan trọng trong những chặng đường phát triển của Đảng bộ huyện. Cuốn sách là tài liệu quý phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển lý luận lịch sử Đảng, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch sử đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, qua đó chung tay xây dựng huyện Xuân Trường văn hiến, anh hùng ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Ngoài ra, việc xuất bản, phát hành cuốn sách cũng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của độc giả trong và ngoài huyện về lịch sử huyện Xuân Trường.

Đồng chí Ngô Ngọc Vũ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Trường cho biết: Xuân Trường là huyện có bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng. Nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, trong những năm qua Huyện ủy luôn giành sự quan tâm chú trọng và chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ này. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định về “Công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các cơ quan, đơn vị và công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống”; Huyện ủy Xuân Trường đã chỉ đạo tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện chỉnh lý, xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường giai đoạn 1930-2023”; đồng thời chỉ đạo đảng bộ các xã, thị trấn, các ngành biên soạn, chỉnh lý, bổ sung và xuất bản lịch sử truyền thống ngành, địa phương.

Sau khi xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Xuân Trường (1930-2023)”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chỉ thị về nghiên cứu, biên soạn, tái bản, chỉnh lý, bổ sung lịch sử đảng bộ cấp xã; yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành tốt công tác biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã ban hành hướng dẫn về công tác nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lý, bổ sung, tái bản lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn và công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống. Trong đó, đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức nghiên cứu việc chỉnh lý, bổ sung và tái bản cuốn lịch sử đảng bộ địa phương đến năm 2025. Yêu cầu của việc nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và tái bản phải đảm bảo tính Đảng, tính giáo dục, tính khoa học, giá trị lịch sử và theo đúng các quy định; cuốn sách là tài liệu giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ để giữ gìn và phát huy các truyền thống cách mạng. Đến nay đã có 11/14 xã, thị trấn trong huyện đăng ký xuất bản năm 2025, Ban CHQS huyện đang nghiên cứu, biên soạn.

Cùng với việc xuất bản các cuốn lịch sử đảng bộ của các địa phương, các ngành, lực lượng vũ trang, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Văn phòng Huyện ủy, các cơ quan khối tư tưởng - văn hóa huyện tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử, sao chụp các trang tư liệu, đưa toàn bộ các tư liệu lịch sử Đảng từ 1930-2005 của huyện, của các xã thị trấn, lực lượng vũ trang vào cơ sở dữ liệu, tiện lợi cho việc lưu trữ, bảo quản và nghiên cứu. Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cũng được các cấp, các ngành, các đoàn thể trong huyện chú trọng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú, chuyển tải nội dung lịch sử đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tổ chức gặp mặt nhân chứng lịch sử, tọa đàm, hội thảo, tham quan, nghiên cứu tìm hiểu tại di tích lịch sử của huyện gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện. Đặc biệt, tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Trường long trọng tổ chức kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư và khánh thành tượng đài Trường Chinh ngay tại công viên Trường Chinh của huyện. Với các hình thức tuyên truyền, giáo dục đa dạng, phong phú đã góp phần tích cực nâng cao sự hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thấm nhuần các giá trị, bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng về mảnh đất và con người quê hương Xuân Trường. Từ đó khơi dậy niềm tin, lòng tự hào và tình cảm yêu quê hương đất nước, cổ vũ tinh thần hăng hái tích cực của nhân dân, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Để thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, kinh nghiệm của huyện Xuân Trường là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử Đảng. Trong tình hình hiện nay, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng là một yêu cầu cấp thiết, một nội dung quan trọng và là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nên cần phải có sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, hiệu quả. Đây là yếu tố quyết định đối với công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ ở địa phương. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa “tinh gọn - mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng. Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, cần động viên và khai thác được công sức, trí tuệ của các cấp, các ngành, các cán bộ lão thành cách mạng, các thế hệ cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ và quần chúng nhân dân trong việc sưu tầm, khai thác tư liệu lịch sử phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử. Có cơ chế bồi dưỡng phù hợp để khuyến khích cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, nhân chứng lịch sử... tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng. Đây là một trong những giải pháp thiết thực, hữu hiệu để đẩy mạnh công tác nghiên cứu biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của các đảng bộ, nhất là ở cơ sở. Tạo sự thống nhất chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của quần chúng nhân dân cho công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng ở địa phương. Chỉ đạo chặt chẽ quy trình sưu tầm nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản, nâng cao hơn nữa chất lượng các ấn phẩm lịch sử; đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính tổng kết thực tiễn của các ấn phẩm lịch sử. Song song với công tác chỉ đạo sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú về lịch sử các đảng bộ và lịch sử cách mạng các ngành, đoàn thể để khai thác hiệu quả nhất giá trị mà cuốn lịch sử đem lại.

Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/cong-tac-nghien-cuu-bien-soan-va-tuyen-truyen-lich-sutruyen-thong-cach-mangoxuan-truong-1c66aac/