Công tác nghiên cứu lịch sử của tỉnh còn nhiều việc phải làm

So với các lĩnh vực khác thì nghiên cứu lịch sử địa phương nói chung và lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện, xã, lịch sử cơ quan, đơn vị của tỉnh Tuyên Quang phát triển mạnh.

Lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương,
tỉnh Tuyên Quang vinh dự là nơi Bác ở
và làm việc đến 3 lần.

Một số công trình đồ sộ đã được xuất bản sớm và chất lượng như Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2 tập); Địa chí tỉnh Tuyên Quang, Từ điển tỉnh Tuyên Quang; Tuyên Quang hình ảnh lịch sử cách mạng…

Một số hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề, trả lời được nhiều câu hỏi mở mà bấy lâu các cơ quan, các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn còn bỏ ngỏ như: Tại sao Trung ương Đảng, Bác Hồ lại chọn Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thủ đô Kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; vị trí chiến lược của Tuyên Quang trong cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp; tại sao Tuyên Quang lại là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa từng phần sớm nhất nước và tại sao Tuyên Quang lại là nơi đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền cách mạng cấp xã, cấp châu…

Đối với công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc, tỉnh Tuyên Quang cũng có thành tựu vượt trội: Làm rõ về mảnh đất Tuyên Quang thời sơ sử, tiền sử; làm rõ các cư dân thời cổ đại đã cư trú tại Tuyên Quang từ thời kỳ nào qua kết quả khai quật các di chỉ khảo cổ. Cùng với đó, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử cũng đã làm rõ vai trò các triều đại phong kiến Việt Nam tại Tuyên Quang và văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc, sắc tộc có ảnh hưởng gì tới chính sách quản lý của các triều đại phong kiến trong lịch sử…

Tuy nhiên, là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, “Là xứ sơn kỳ thủy tú, vạn vật tốt tươi, mặt người tươi đẹp, ruộng nhiều lúa chín, đất nở đầy hoa, chim kêu vượn hót, thuốc quý tiềm tàng, sơn hào vô tận, không thứ gì là không có nhờ khí hạo nhiên…, xem như nơi đây có nguồn thiêng hội tụ, vui nước an dân, hợp đức thánh nhân”, có vị trí “là phên giậu của Trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu” của Tổ quốc thì việc nghiên cứu về lịch sử (dân tộc) tỉnh Tuyên Quang còn nhiều dư địa cần được nghiên cứu, khai thác.

Đối với lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, nhiều nội dung liên quan tới hoạt động, tư duy chiến lược của Bác Hồ khi Người ở Tuyên Quang; tấm gương dân vận của Bác; cách giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng, Chính phủ, công tác đối ngoại của Bác khi người ở Tuyên Quang, hay một số vấn đề cụ thể như ai là người chữa cho Bác khỏi sốt rét, những địa điểm, thời điểm Bác làm thơ… và nhiều vấn đề khác nữa cũng cần được nghiên cứu làm rõ hoặc làm sâu sắc thêm.

Theo ý kiến của một số nhà khoa học, Tuyên Quang cần thành lập Hội Sử học, có ngành dọc cấp trên là Hội Sử học Việt Nam để tập hợp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những người tâm huyết, những người yêu thích nghiên cứu lịch sử để có lực lượng hùng hậu, xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để đóng góp vào công tác nghiên cứu lịch sử tỉnh Tuyên Quang bao gồm cả lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc.

Vũ Bé

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nhip-cau-ban-doc/cong-tac-nghien-cuu-lich-su-cua-tinh-con-nhieu-viec-phai-lam-132305.html