Công tác ở một đơn vị Anh hùng sẽ được học hỏi từ những con người anh hùng

Đang vui đùa cùng cô con gái nhỏ, Thượng úy Trương Mạnh Quảng, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự (CAQ Long Biên, Hà Nội) bỗng dừng lại nghe điện thoại. Xoa đầu con, anh vội chạy đi làm nhiệm vụ theo yêu cầu của đơn vị khiến đứa trẻ hụt hẫng...

Những cuộc “đánh án” bất ngờ

Gặp lại Thượng úy Trương Mạnh Quảng một ngày đầu năm, ngôi nhà nhỏ cuối hành lang vẫn luôn đầy ắp tiếng cười nói của trẻ nhỏ. Nhắc đến con, anh lại ngượng nghịu bảo, khi con chào đời em chẳng kịp về đón tay vì bận đi “đánh án”.

Thượng úy Trương Mạnh Quảng kể, khi đó cả nhà đã chuẩn bị sẵn đồ sơ sinh để đón chờ em bé ra đời thì Thượng úy Quảng nhận được điện thoại. Đầu bên kia là mệnh lệnh nhanh, gọn của cấp chỉ huy về việc xảy ra một vụ trọng án trên địa bàn phường Phúc Đồng, toàn bộ cán bộ hình sự của CAQ Long Biên phải dồn tâm sức phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra. Không một chút đắn đo, anh vội vã đến thẳng hiện trường. “Tôi nhớ khi đó là khoảng 23h và tôi cũng vừa về sau nhiều ngày đi làm án. Nhận lệnh phải lên đường ngay, tôi nhìn vợ có chút ái ngại. Nhưng cô ấy vẫn ôm bụng bầu chuẩn bị quần áo cho chồng, việc đó khiến tôi nghẹn ngào” - Thượng úy Trương Mạnh Quảng chia sẻ.

Với những thành tích đạt được, Thượng úy Trương Mạnh Quảng đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen, Giám đốc CATP, UBND quận tặng Giấy khen. Tháng 3-2021, anh vinh dự là một trong “10 Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu” năm 2020.

Sau đó là những ngày anh cuốn vào chuyên án không thể về nhà. Cho đến khi hoàn tất điều tra, Thượng úy Trương Mạnh Quảng cùng đồng đội thở phào nhẹ nhõm tranh thủ mỗi người ăn chiếc bánh mì “chống đói” thì nhận được điện thoại từ người nhà báo tin con mình đã chào đời. Nhiều ngày xa chồng, chị Kiều Thị Tuyết (vợ Thượng úy Trương Mạnh Quảng) đã một mình xoay xở cho đến tận ngày sinh nở. Mong muốn được chồng ở bên khi vượt cạn đã không toại nguyện. “Đến giờ thỉnh thoảng em vẫn trách anh ấy. Tủi thân lắm! Con ra đời mà không được cha bế bồng, đành phải nhờ chú đón cháu” - chị Kiều Thị Tuyết nghẹn ngào kể lại. Và cũng từ đó, Thượng úy Trương Mạnh Quảng bị đồng đội trêu là “say đánh án quên cả vợ con”.

Thượng úy Trương Mạnh Quảng hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình

Thượng úy Trương Mạnh Quảng hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình

Có lệnh là lên đường

Cũng có lẽ vì quá quen với những nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ của bố nên khi bố vắng nhà, con gái của Thượng úy Trương Mạnh Quảng không còn buồn hay khóc nhè nữa. Bé chỉ nũng nịu đòi bắt đền cho qua. Cũng phải, nghề của lính hình sự là vậy, có lệnh là lên đường bất kể nắng mưa, bất kể lúc nào...

Chia sẻ về đặc thù nghề nghiệp, Thượng úy Quảng cho biết: “Từ khi còn học trong trường, tôi đã xác định nghề của mình luôn là những người “đi trước về sau”. Bất cứ khi nào có vụ việc xảy ra, có thông tin, có mệnh lệnh là lên đường làm nhiệm vụ. Mà luôn phải là những người đi trước, đến hiện trường trước để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, dấu vết trước khi có những tác động, xáo trộn. Do vậy, kể cả giữa đêm Giao thừa cũng vẫn phải lên đường”.

Nhớ lại quãng thời gian sinh viên, Thượng úy Trương Mạnh Quảng vẫn không giấu được xúc động. Năm 2010, Quảng thi đỗ Học viện Báo chí và tuyên truyền, nhưng học được vài tháng anh quyết định ôn thi lại để thi vào Học viện Cảnh sát, chuyên ngành điều tra. Gia đình thuần nông ở vùng quê Bắc Giang, kinh tế còn nhiều khó khăn, lại không có ai theo ngành công an nên cả nhà ngỡ ngàng trước “màn bẻ lái” của cậu con trai trưởng.

“Thế nhưng mọi người vẫn ủng hộ. Ngày đó, mẹ tôi phải rời quê lên Hà Nội thuê trọ đi làm công nhân tại khu công nghiệp Hoài Đức để kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Cho đến giờ, mẹ luôn là người đồng hành trên bước đường đời tôi đi” - người chiến sỹ cảnh sát hình sự trẻ nói. Hình ảnh mà có lẽ sẽ theo Thượng úy Trương Mạnh Quảng đến suốt cuộc đời, đó là vào đúng ngày thi đại học tại điểm thi ở quận Thanh Xuân trong khi nhà trọ của 2 mẹ con thì mãi tận Hoài Đức. “Hôm đó, mẹ mượn được một chiếc xe máy để đưa tôi đi thi. Thi xong môn thi cuối cùng, trên đường về 2 mẹ con gặp trận mưa rất to. Chẳng mang áo mưa, trên đường lại không có hàng quán nào nên mẹ con tôi ướt sũng đến tận lúc về tới nhà trọ” - Thượng úy Trương Mạnh Quảng xúc động kể lại.

Tự hào màu áo lính

Bằng nỗ lực học tập, cậu sinh viên trẻ Trương Mạnh Quảng ngày đó đã đỗ vào Học viện Cảnh sát với điểm số xuất sắc, không phụ lòng tin của gia đình. Sau khi tốt nghiệp, Quảng được phân công nhiệm vụ về CAQ Long Biên. Đây cũng chính là cái nôi đã tôi luyện nên Thượng úy Quảng của ngày hôm nay. “Tôi luôn cảm thấy may mắn khi được làm việc tại CAQ Long Biên, một đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại đây, tôi đã được đồng chí, đồng đội, Ban Chỉ huy CAQ, Ban chỉ huy đội dìu dắt, dạy bảo, giúp tôi phát huy được sức trẻ để cống hiến cho đơn vị. Bản thân tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đóng góp công sức vào thành công của tập thể. Được công tác ở một đơn vị Anh hùng là niềm tự hào bởi ở đó sẽ có những con người anh hùng” - Thượng úy Trương Mạnh Quảng cho biết.

Công việc của người lính hình sự có những đặc thù riêng, ngoài khó khăn còn đối mặt với nguy hiểm và cả những cám dỗ… song tình yêu nghề đã giúp Thượng úy Trương Mạnh Quảng và đồng đội vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đạt được, Thượng úy Trương Mạnh Quảng đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen, Giám đốc CATP, UBND quận tặng Giấy khen. Tháng 3-2021, anh vinh dự là một trong “10 Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu” năm 2020.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cong-tac-o-mot-don-vi-anh-hung-se-duoc-hoc-hoi-tu-nhung-con-nguoi-anh-hung-post531432.antd