Công tác ở vùng núi nhưng bị cắt giảm trợ cấp, nhiều thầy cô chuyển về đồng bằng
Bên cạnh việc tổ chức thi tuyển giáo viên rầm rộ thì tại nhiều huyện miền núi đang phải tính đến phương án sử dụng giáo viên hợp đồng hoặc dạy trái môn.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam thì năm học 2022-2023, địa phương này đang thiếu hơn 2.546 giáo viên các bậc học. Trong đó, tình trạng “khủng hoảng thiếu” xảy ra nghiêm trọng tại các huyện miền núi ở bậc học mầm non, tiểu học.
Nguyên nhân “khủng hoảng thiếu” giáo viên
Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam thì trong năm 2022, tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo là 23.500 chỉ tiêu.
Để đáp ứng nhu cầu dạy – học trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương liên quan triển khai công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2022.
Theo chỉ tiêu đăng ký của các cơ quan, địa phương, tổng số nhu cầu tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2022 là 2.252 chỉ tiêu (bằng 9,6% tổng số lượng người làm việc được giao).
“Qua thống kê cho thấy số lượng viên chức sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh còn thiếu là tương đối nhiều. Trong đó, một số huyện miền núi thiếu giáo viên với số lượng lớn như: Đông Giang 22,5%; Phước Sơn 21,5%; Nam Giang 11,3% và Tiên Phước 10%...”, Sở Nội vụ Quảng Nam cho hay.
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho biết, việc thiếu giáo viên ở các huyện miền núi là do điều kiện kinh tế - xã hội ở các khu vực này còn khó khăn, chưa thu hút cũng như giữ chân được giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.
“Thời gian qua, một số chính sách dành cho các địa phương miền núi có sự thay đổi, dẫn đến đội ngũ viên chức (trong đó có ngành giáo dục) bị cắt giảm các khoản trợ cấp. Hệ quả là một số bộ phận giáo viên đã chuyển công tác về đồng bằng, gây thiếu hụt nguồn nhân lực giáo dục.
Bên cạnh đó thì mặc dù tỉnh đã thường xuyên tổ chức các kỳ thi tuyển dụng giáo viên nhưng số lượng viên chức tuyển dụng được thấp hơn so với nhu cầu.
Nguyên nhân là do số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học có bằng cấp đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng viên chức giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 còn quá thấp”, bà Hoa cho biết.
Ổn định đời sống cho giáo viên bám trường, bám lớp
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Nam về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW thì trong năm học 2022-2023, địa phương này tăng 10.536 học sinh, tăng 309 lớp ở tất cả các bậc học, tương đương tăng 741 biên chế.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ sung và không cắt giảm số lượng người làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo để đảm bảo tinh thần Nghị quyết số 102/NQ-CP, ngày 3/7/2020 của Chính phủ “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Để thực hiện chủ trương này, ngành giáo dục, nội vụ Quảng Nam đã thực hiện một loạt các giải pháp để hoàn thiện đội ngũ.
Theo bà Hoa, bên cạnh việc tổ chức các kỳ thi tuyển giáo viên thì địa phương này cũng sẽ đẩy mạnh triển khai đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm học 2024 – 2025.
Trong đó, chú trọng xây dựng và thực hiện các phương án bố trí, điều tiết đội ngũ giáo viên theo quy định, đảm bảo đủ giáo viên đối với từng bộ môn, tránh tình trạng thừa, thiếu về cơ cấu bộ môn, thừa thiếu cục bộ giữa các trường, các cấp học.
“Hiện Sở cùng với ngành giáo dục đào tạo và các địa phương đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích giáo viên yên tâm công tác, ổn định lâu dài ở khu vực miền núi. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ này sẽ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn các huyện miền núi”, bà Hoa chia sẻ thêm.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ, phương hướng năm học 2022 - 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam tổ chức ngày 16/8, ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Trà My cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên thì huyện đã có giải pháp giao các trường tìm kiếm giáo viên hợp đồng.
Tuy nhiên, nguồn giáo viên này cũng “khan hiếm” nên phải thực hiện dạy trái môn, người có trình độ mầm non có thể dạy tiểu học. Ông Thuận đề xuất tỉnh chấp nhận giải pháp này của địa phương.
Còn ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Đức thì cho rằng, không thể hợp đồng ngắn hạn giáo viên vì như thế sẽ không đảm bảo chất lượng. Ngay cả biên chế giao cho phòng giáo dục cũng quá ít nhưng công việc nhiều.
Ngành đã thực hiện các giải pháp như: biệt phái, tăng cường cán bộ quản lý, giáo viên từ trường học lên nhưng việc này không đúng quy định.
Sở Nội vụ Quảng Nam cho hay, trong thời gian tới, địa phương này sẽ có định hướng đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, định hướng học sinh của tỉnh, nhất là học sinh ở miền núi đăng ký vào ngành sư phạm khi tham gia tuyển sinh cao đẳng, đại học hàng năm. Đây sẽ là nguồn bổ sung nhân lực lâu dài, bền vững cho ngành giáo dục địa phương.