Công tác quản lý người nghiện ma túy tại địa phương còn nhiều bất cập
Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng CSĐT tội phạm về ma túy: quản lý người nghiện tại địa phương hiện nay còn rất nhiều bất cập
Thời gian qua, hàng loạt vụ án mạng liên quan đến người nghiện ma túy gây ra gây dúng động động dư luận. Mới đây nhất là vụ thám án xảy ra tại xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đối tượng Hoàng Văn Chín (SN 1976), trú xóm Lương Bình 2 đã dùng dao chém tử vong 5 người, trong đó có vợ là chị Ma Thị Hường. Tại cơ quan công an, bước đầu đối tượng thừa nhận nghiện ma túy. Dư luận đặt câu hỏi, vậy công tác quản lý người nghiện hiện nay được thực hiện như thế nào...?
Phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an về vấn đề này.
PV: Thời gian qua, liên tục xảy ra nhiều vụ án liên quan đến các đối tượng nghiện ma túy. Vậy ông có thể cho biết công tác quản lý người nghiện hiện nay được thực hiện như thế nào ạ?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Quản lý người nghiện tại địa phương hiện nay còn rất nhiều bất cập, đặc biệt Nghị định 221 của Chính phủ về việc đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc còn tồn tại nhiều vướng mắc. Thứ nhất là nơi ở của người nghiện, phải xác định có nơi ở hay lang thang; Xác định tình trạng nghiện. Trong Nghị định 221 của Chính phủ lại quy định cơ quan y tế có thẩm quyền để xác định tình trạng nghiện. Tuy nhiên một thực tế cho thấy lực lượng y tế khi xác định tình trạng nghiện cần có thời gian. Quá trình giữ người nghiện để xác định tình trạng nghiện lại không rõ ràng, các y bác sỹ lại sợ người nghiện trả thù. Tại cộng đồng sinh sống cơ quan y tế lại quen biết, ở cùng địa bàn với người nghiện nên có rất nhiều trở ngại tâm lý. Sau khi lập hồ sơ lại phải thông báo cho người nghiện biết trước một khoảng thời gian rất lâu, sau đó lại chuyển hồ sơ sang tòa án và quá trình làm như thế là không kịp thời so với tình trạng người nghiện gia tăng như vừa rồi.
PV: Như ông vừa cho biết, hiện nay công tác quản lý người nghiện tại các địa phương còn tồn tại nhiều bất cập. Vậy, chúng ta có nhưng biện pháp nào để khắc phục những hạn chế này, thưa ông?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Chính phủ hiện nay cũng không tiếc tiền của để giảm tải tác hại do người nghiện ma túy, lạm dụng chất ma túy. Liên quan đến việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng rất tâm huyết với chương trình Methadone. Ở các nước phát triển trên thế giới có điều kiện kinh tế dùng biện pháp này thay thế. Hiện nay Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang chủ trì để đánh giá hiệu quả thực chất của vấn đề thay thế Methadone hay các chất đông y, kết hợp Tây y thay thế chất cai nghiện, qua đó đánh giá chính xác hiệu quả phương pháp nào để nhận rộng mô hình này, để trong thời gian sớm nhất có thể giảm cái tác hại của người nghiện cũng như gia tăng tình trạng gia tăng người sử dụng ma túy, cai nghiện thành công người nghiện ma túy.
PV: Ông cho biết những địa phương nào thực hiện tốt công tác quản lý người nghiện và đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Hiện nay một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang xử lý rất tốt vấn đề này. Đây là điển hình để 63 tỉnh thành học tập đó là thiết lập đường dây nóng khi phát hiện ra người sử dụng ma túy lập tức lực lượng công an, y tế có mặt cùng với nhau phối hợp để xử lý. Theo nghị định 221 chỉ quy định cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận và điều đó cũng làm khó khăn trong công tác xử lý ngay và luôn xử lý người sử dụng ma túy. Mong muốn của Cục CSĐT cũng như Bộ LĐTBXH chúng ta nên quy định rõ, chứ không để đây là những quy chế phối hợp, đường dây nóng thì tính hiệu quả hạn chế hơn là chúng ta quy định rõ ràng, chức năng, thẩm quyền cũng như trách nhiệm của cơ quan nào ko hoàn thành sẽ xử lý ngay.
Chúng tôi đang tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Nghị định 221 theo hướng coi đây là tình huống cấp thiết hơn nữa để chúng ta có giải pháp quyết liệt hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!./.