Công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2021 - 2023 và 6 tháng đầu năm 2024

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, UBND tỉnh đã phân công, phân cấp cho các ngành quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn cho các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.

Phân cấp quản lý

Đến nay, toàn tỉnh có 48.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó:

- Ngành Y tế quản lý gần 9.893 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Trong đó, cấp tỉnh: cấp 498 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quản lý 204 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận và 105 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận; tiếp nhận 12 hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm; 355 bản tự công bố sản phẩm; Cấp huyện quản lý: 9.086 cơ sở (6 tháng đầu năm 2024, cấp huyện cấp 376 giấy chứng nhận)...

Đồ họa: HQ

Đồ họa: HQ

- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý gần 24.659 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông lâm thủy sản (cấp tỉnh quản lý 1.792 cơ sở, cấp huyện, xã quản lý 22.867 cơ sở, cấp huyện, xã chủ yếu quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu thuộc diện ký cam kết an toàn thực phẩm). Trong đó: Cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc tương đương (HACCP, ISO 22000,...): Cấp tỉnh: Đã cấp 1.456 cơ sở/1.625 cơ sở (chiếm 89,6%); Cấp huyện: Đã cấp 312 cơ sở/3.141 cơ sở (9,9%). Đối với công tác ký cam kết an toàn thực phẩm: Cấp tỉnh: Đã ký 167 cơ sở/167 cơ sở (chiếm 100%); Cấp huyện: Đã ký 1.028 cơ sở/6.829 cơ sở (15,05%); Cấp xã: Đã ký 2.625 cơ sở/12.897 cơ sở (20,35%).

- Ngành Công Thương quản lý gần 14.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, cụ thể: Cấp tỉnh cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung: 242 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đang còn hiệu lực); tiếp nhận 314 Bản tự công bố sản phẩm; 25 Bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; cấp huyện tiếp nhận): 98 Bản tự công bố sản phẩm; cấp xã: tiếp nhận 11.400/13.976 Bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt 82%.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra cơ sở chế biến hải sản tại TX. Cửa Lò. Ảnh: Quang An

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra cơ sở chế biến hải sản tại TX. Cửa Lò. Ảnh: Quang An

Hầu hết, các cơ sở hoạt động thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, đoàn liên ngành các cấp đã phát hiện một số cơ sở hoạt động chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đã bị xử phạt vi phạm theo quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

- Công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng đầu năm 2024: Toàn tỉnh đã thành lập 3.287 đoàn thanh tra, kiểm tra với tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 40.573 cơ sở, trong đó có 38.983 cơ sở đạt (96,08%) và 1.590 cơ sở vi phạm (3,92%) với tổng số tiền xử phạt 3.659.224.000 đồng.

Đồ họa: HQ

Đồ họa: HQ

Các hành vi vi phạm chủ yếu: Không thực hiện quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, kiểm thực ba bước; Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định...

Lực lượng Công an, Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý tịch thu, tiêu hủy nhiều mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch, cụ thể: 3.474 chai rượu, 339 cá thể động vật hoang dã, 90.820 chai nước giải khát, 7.104 hộp sữa, 3.450 kg đường cát, 33.324 kg bánh kẹo, 805 hộp thực phẩm chức năng, 27.285 sản phẩm các loại gia súc gia cầm, 71.512 con gia cầm, 250 chai rượu ngoại, 17.200 chai/lon nước giải khát; 11.854 gói/hộp bánh kẹo;...

Lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô tải phát hiện phương tiện vận chuyển 90 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: CSCC

Lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô tải phát hiện phương tiện vận chuyển 90 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: CSCC

Qua công tác thanh tra, kiểm tra nhận thấy, số cơ sở vi phạm về An toàn thực phẩm từ năm 2021 đến nay có chiều hướng giảm.

- Công tác giám sát: Toàn tỉnh triển khai giám sát mối nguy đối với các mẫu thực phẩm, sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng với 1.173 mẫu, trong đó có 1.103 mẫu đạt (chiếm 94%) và 70 mẫu không đạt (chiếm 6%). Đối với các mẫu vi phạm đã tiến hành gửi thông báo và thành lập đoàn điều tra, xác minh theo quy định. Ngoài ra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ đoàn đại biểu tham dự các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho các đoàn đại biểu, không ghi nhận có ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các sự kiện; giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm mùa du lịch, phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THCS, tuyển sinh đại học, cao đẳng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các sự cố về an toàn thực phẩm.

- Năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 06 vụ ngộ độc thực phẩm thuộc cấp huyện, xã quản lý với 175 người mắc, không có trường hợp nào tử vong (6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 01 vụ ngộ độc bếp ăn tập thể tại Công ty may Tenergy, huyện Yên Thành làm 72 người mắc).

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm điều tra nguyên nhân ngộ độc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn MLB Tenergy. Ảnh: Thành Chung

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm điều tra nguyên nhân ngộ độc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn MLB Tenergy. Ảnh: Thành Chung

Đánh giá chung

Về ưu điểm:

- Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành khá đầy đủ, công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được phân công, phân cấp phù hợp với quy định của Trung ương. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cấp xã. Trách nhiệm của chính quyền, của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng cao, tích cực và chủ động tham mưu triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Hoạt động vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm được tổ chức nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hoạt động giám sát phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các sự cố về an toàn thực phẩm được triển khai thường xuyên, phát hiện kịp thời các loại thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng.

Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và khai trương “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm”. Ảnh: Thành Chung

Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và khai trương “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm”. Ảnh: Thành Chung

- Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng cao, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Tình trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát khá tốt, từ năm 2021 đến nay chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, cụ thể:

- Về công tác quản lý: Mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện nay chưa thống nhất, công tác quản lý đang được phân công cho 03 ngành là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương, trong đó Sở Công Thương không có đơn vị chuyên trách và được phân công kiêm nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho một phòng chức năng thuộc Sở; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công cho 04 chi cục cùng quản lý. Sở Y tế giao cho các phòng trực thuộc và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với cấp huyện, cấp xã còn gặp nhiều khó khăn hơn do không có cán bộ chuyên trách tham mưu quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn có sự tham gia của lực lượng Cảnh sát môi trường, quản lý thị trường.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ảnh tư liệu: Thành Chung

- Về công tác phối hợp: Các ban, ngành đã thực hiện công tác phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm nhưng hiệu quả chưa cao.

- Số lượng văn bản quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhiều, do nhiều chủ thể ban hành nên không đồng bộ giữa các ngành quản lý, đôi lúc gây khó khăn trong tra cứu, áp dụng phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý và việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở. Tỷ lệ các sản phẩm thực phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm so với sản phẩm thực phẩm được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên thị trường đang còn thấp.

- Về xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, hiện tại các ngành tự cập nhật dữ liệu để quản lý nhưng chưa có phần mềm dữ liệu hệ thống chung từ Trung ương nên việc kết nối liên thông là chưa thực hiện được.

- Việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm hiện nay khó đảm bảo các nội dung tập huấn toàn diện, đầy đủ và khó khăn cho cơ quan quản lý trong công tác đánh giá về kiến thức của cơ sở. Nhận thức về tầm quan trọng về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và của người dân tuy đã được nâng cao nhưng vẫn còn một số vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

- Một số bộ phận người dân vì lợi nhuận, vì nhận thức còn hạn chế trong việc sử dụng các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Việc kiểm tra giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình chưa thực hiện được, chủ yếu còn tập trung vào kiểm tra giám sát tại các lò giết mổ tập trung.

- Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Nguyên nhân

Nguyên nhân khách quan

- Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số lớn, có cảng biển, đường sông và cửa khẩu nơi lưu thông hàng hóa phức tạp. Địa hình miền núi chiếm 4/5 diện tích toàn tỉnh.

-Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn manh mún, nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình là chủ yếu do vậy khó đáp ứng được các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Nguyên nhân chủ quan

-Một số địa phương thuộc địa bàn các xã miền núi công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên về việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. Do địa bàn rộng, dân cư phân tán, trong lúc nhân lực được phân công theo dõi về quản lý an toàn thực phẩm hầu hết đều kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí công tác.

- Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của người dân và cộng đồng. Thu nhập trung bình của người dân còn thấp, chưa có điều kiện để chọn thực phẩm sạch với giá cao, thiếu kiến thức về nhận biết các thực phẩm an toàn.

-Các quy định về điều kiện trong cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm còn chung chung, chưa cụ thể và khó thực hiện trong công tác thẩm định. Ngoài ra, công tác quản lý đối với các cơ sở không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm còn khó khăn, chưa kịp thời vì không nắm được các cơ sở bắt đầu hoạt động lúc nào do không có quy định phải thông báo cho cơ quan quản lý. Một số nhóm sản phẩm không có quy định các giới hạn ô nhiễm dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm của cơ sở và công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý.

- Nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế kiểm tra, thanh tra, tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt kinh phí để phân tích mẫu giám sát sản phẩm.

- Chưa có khung nội dung, tài liệu, bộ công cụ đánh giá khi tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm phù hợp mỗi đối tượng.

- Nhận thức, trình độ, thói quen tiêu dùng của người dân tại mỗi địa bàn, vùng miền khác nhau, khó phân biệt được hàng đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ...

PV

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-an-toan-thuc-pham-tren-dia-ban-nghe-an-giai-doan-2021-2023-va-6-thang-dau-nam-2024-10275254.html